Airbus lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu sau động thái của EU

Người phát ngôn của Airbus -  nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới - cho rằng căng thẳng thương mại đang thử thách khả năng phục hồi của các công ty toàn cầu.

Biểu tượng của tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biểu tượng của tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhà sản xuất máy bay Airbus hôm 12/6 đã nhấn mạnh tác động của căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ và áp thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhận được yêu cầu bình luận về quyết định nêu trên của Ủy ban châu Âu (EC), người phát ngôn của nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới không đề cập trực tiếp về động thái này, nhưng cho rằng căng thẳng thương mại đang là thách thức đối với các doanh nghiệp trên thế giới.

Người phát ngôn của Airbus cho biết những diễn biến đó đang thử thách khả năng phục hồi của các công ty toàn cầu như Airbus. Hãng này có quan hệ làm ăn với nhiều khách hàng trên toàn cầu. Do đó, các biện pháp thuế quan thương mại làm tăng độ phức tạp và chi phí cho chuỗi cung ứng lẫn các khách hàng của Airbus.

Hồi tháng Tư, truyền thông quốc tế đưa tin Airbus đã đàm phán với Trung Quốc về một đơn đặt hàng máy bay tiềm năng.

Trước khi EU công bố thông báo tăng thuế, hai nguồn tin cho biết hai bên đang xem xét một thỏa thuận lịch sử về số lượng máy bay đặt hàng, có thể lên tới 600-750 chiếc.

Các nhà phân tích lưu ý rằng các đơn đặt hàng máy bay số lượng lớn từ cơ quan thu mua nhà nước của Trung Quốc thường bao gồm sự kết hợp của các thông báo kinh doanh mới và lặp lại. Họ đồng thời lưu ý thời điểm đưa ra các thông báo như vậy phản ánh sự thăng trầm trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm nhấn mạnh Trung Quốc "kêu gọi EU tuân thủ cam kết hỗ trợ thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ, phối hợp với Trung Quốc để bảo vệ tổng thể hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU."

Phát biểu sau thông báo của EU, một nguồn tin thứ ba cho biết thương vụ giữa Airbus với Trung Quốc dường như ngày càng trở nên tham vọng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị ở châu Âu.

Airbus cho biết họ chưa bao giờ bình luận về các cuộc đàm phán về máy bay. Phía Trung Quốc cũng chưa đưa ra phát biểu nào về vấn đề này

Trong lịch sử, Trung Quốc thường phân chia nhu cầu nhập khẩu giữa Airbus và đối thủ là Boeing đến từ Mỹ. Nhưng các đơn đặt hàng máy bay Boeing của Trung Quốc rất hạn chế trong những năm gần đây, trùng hợp với giai đoạn xảy ra nhiều biến động trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ./.

Máy bay A320neo của hãng Airbus thực hiện chuyến bay kiểm tra tại Blagnac, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lợi nhuận tăng mạnh giúp Airbus bỏ xa Boeing

Lợi nhuận ròng của Airbus trong 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 595 triệu euro (637 triệu USD), còn doanh thu tăng 9% lên 12,8 tỷ euro, trong khi đối thủ của hãng là Boeing báo cáo hoạt động thua lỗ.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục