Chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam

Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của Mỹ đang phục hồi, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu lớn cá ngừ hấp đông lạnh từ châu Âu và một số thị trường khác sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.
Chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ảnh 1Lao động vận chuyển cá ngừ từ tàu cá lên Cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ cũng chịu nhiều tác động, từ chi phí sản xuất gia tăng đến vận chuyển thiếu linh hoạt, có nguy cơ mất hợp đồng do tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics tăng cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã nỗ lực đưa ngành cá ngừ tăng trưởng hơn 16% so với năm 2020.

Linh hoạt sản xuất để tăng trưởng

Cá ngừ Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Mặt hàng cá ngừ Việt Nam đã có mặt ở tại 140 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2021 với biến động lớn từ dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và trong nước, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã phải linh hoạt sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 757 triệu USD, tăng 16,6% so với năm 2020.

Giải thích cho sự tăng trưởng này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ chia sẻ, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Việc sản xuất thủy sản nói chung và sản xuất chế biến cá ngừ nói riêng đang dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.

Hiện, xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ đều tăng so với cùng kỳ, trừ cá ngừ đóng hộp; trong đó, xuất khẩu phần thịt lưng cá ngừ (cắt khúc, cắt miếng, saku….) tăng mạnh 41% so với năm 2020. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác tăng 14% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, tại các thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất như Mỹ, châu Âu, Israel, Italy, Canada, Nhật Bản, sau chiến dịch phủ vaccine COVID-19, đã sớm mở cửa, nhu cầu tiêu thụ tăng đáng kể ở cả kênh Horeca…

Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của người tiêu dùng Mỹ đang dần phục hồi theo ngành dịch vụ thực phẩm (Foodservices) của nước này.

Nhu cầu nhập khẩu lớn cá ngừ hấp đông lạnh (nguyên liệu để chế biến cá ngừ đóng hộp, salad cá ngừ...) tại các thị trường như châu Âu cũng tăng cao trong thời điểm hai tháng cuối năm 2021 đã kéo lượng nhập khẩu cá ngư tại thị trường này tăng vọt.

Cùng với Mỹ và châu Âu, xuất khẩu sang một số thị trường khác đang tăng trưởng nhanh chóng, có thị trường tăng tới 3 con số như Mexico tăng 143% hay Israel tăng 201%...

Sự tăng trưởng nhanh tại các thị trường này là chất xúc tác thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

[Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường tiềm năng]

Tuy nhiên, tại một số thị trường, sau sự bùng nổ nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong nửa đầu năm 2020, nhu cầu đã quay trở lại mức bình thường trước đại dịch, cộng với lượng tồn kho cao đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhóm sản phẩm này tại các thị trường trong năm nay.

Thêm vào đó, chi phí vận chuyển đường biển, giá thép hộp, giá dầu thực vật tăng cao cũng đang làm cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm. Thế nhưng, các yếu tố này vẫn chưa thể tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ trong 2 tháng cuối năm 2021.

Tiếp tục mở rộng thị phần

Với sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ trong năm 2021, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 xảy ra trong nước, ngành cá ngừ Việt Nam vẫn đang nỗ lực lực vừa giữ thị phần, vừa có thể mở rộng thị phần hơn nữa trong năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dù sản phẩm cá ngừ đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng muốn phát triển ngành cá ngừ hơn nữa, ngành cá ngừ cần mở rộng thị phần để nâng vị thế cạnh tranh.

Chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ảnh 2Sơ chế cá ngừ đại dương tại cảng cá Đông Tác, thành phố Tuy Hòa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Đơn cử tại thị trường châu Âu, mỗi người dân tiêu thụ 24kg cá ngừ và các loài cá khác mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, lượng khai thác, đánh bắt cá ngừ của các nước châu Âu giảm mạnh theo quy định bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đa dạng loài của Ủy ban châu Âu, hầu hết nguồn thực phẩm cá ngừ và các loài cá khác đều phải nhập khẩu ngoại khối. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu cá ngừ, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường Australia cũng được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đánh giá là thị trường đầy triển vọng cho ngành cá ngừ Việt Nam muốn mở rộng thị phần.

Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines là 4 nguồn cung cá ngừ hàng đầu cho thị trường Australia.

Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 3, chiếm 1,6% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Australia. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia với tỷ trọng áp đảo hơn hẳn, lần lượt là 73% và 23% đang giữ vị trí đầu tiên và thứ hai.

Cũng theo ITC, trong khi nhập khẩu cá ngừ của Australia từ Việt Nam tăng 209%, thì nhập khẩu từ Thái Lan giảm 15% và Indonesia tăng 28%.

Gần đây nhất, tỉnh Bình Định đã ráo riết triển khai đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi," do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Qua đó, JICA hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân tham gia đề án, còn Bình Định chi hàng tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản.

Theo những hướng dẫn kỹ thuật, khai thác, đánh bắt và bảo quản của Nhật Bản, ngư dân Bình Định đã có thể tổ chức câu cá ngừ đạt chất lượng như nhà nhập khẩu mong muốn.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, tiếp nối dự án cũ, thừa hưởng kỹ thuật khai thác và sử dụng công nghệ đúng, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ ngư dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ Nhật Bản, giúp cho sản phẩm cá ngừ chất lượng có đầu ra ổn định.

Với sự liên kết này, sản phẩm cá ngừ được cấp đông nhanh và xuất khẩu bằng đường biển nên chất lượng được bảo đảm và hiệu quả cho cao hơn.

Mỗi đơn vị với những hành động nhỏ trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ chính là chung tay giúp ngành cá ngừ Việt Nam có thể mở rộng thị phần, nâng vị thế cạnh tranh hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục