Châu Á-TBD - chiếc neo ổn định của kinh tế toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế châu Á-TBD sẽ tiếp tục cao hơn các khu vực khác đồng thời trở thành chiếc neo ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Mạng tin Project syndicate mới đây dẫn Khảo sát kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương năm 2012 của Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới đồng thời trở thành chiếc neo ổn định và cực năng động mới của nền kinh tế toàn cầu.

Theo bản khảo sát trên, trong năm 2012, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương có thể giảm xuống 6,5% so với mức 7% trong năm 2011, song đây là mức tăng trưởng tốt hơn nhiều so với các khu vực khác.

Trao đổi thương mại giữa các nước thành viên Phong trào không liên kết với các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ giúp các khu vực đang phát triển, nhất là châu Phi và Mỹ Latin, giảm hơn nữa sự phụ thuộc của họ vào các nền kinh tế phát triển với tăng trưởng thấp.

Ngoài ra, mức tăng trưởng cao từ các cường quốc kinh tế châu Á sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2012, trong đó mức tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến đạt 8,6%, Ấn Độ đạt khoảng 6,9-7,5%.

Mức tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng mạnh nhờ sự phục hồi của Thái Lan sau trận lụt hồi năm 2011, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm từ 6,1% xuống còn 4,8%.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cảnh báo những nguy cơ của môi trường bất ổn bên ngoài đe dọa đến đà tăng trưởng của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế tại khu vực năng động này là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn hoặc sự tan vỡ của khu vực đồng euro.

Kịch bản xấu nhất này có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của châu Á-Thái Bình Dương giảm tới 390 tỷ USD trong một năm, với các nước kém phát triển và nằm trong đất liền bị ảnh hưởng mạnh nhất, mất tới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của họ.

Thách thức thứ hai đối với tăng trưởng khu vực châu Á trong năm 2012 là sự biến động của giá hàng hóa với xu hướng tăng lâu dài. Bản khảo sát khuyến cáo các nền kinh tế quốc gia và khu vực cần thích ứng với thực tế giá hàng hóa cao và biến động liên tục.

Các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương kém phát triển cần có giải pháp đối phó với thực trang trên bằng cách thúc đẩy việc chuyên môn hóa hàng hóa.

Bài học từ vòng toàn cầu hóa đầu tiên của phương Tây là việc chuyên môn hóa các nguồn tài nguyên, nhất là tại các nước nghèo, có thể trì hoãn tiến trình công nghiệp hóa, đa dạng hóa kinh tế và tạo ra năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, bản khảo sát cũng kêu gọi các các nền kinh tế châu Á đưa ra những chính sách hiệu quả nhằm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng trong xã hội.

Theo các chuyên gia, điều này đòi hỏi một tiến trình từng bước tái cơ cầu cũng như hỗ trợ tiêu dùng trong nước cao hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và năng suất lao động đồng thời tạo việc làm và bình đẳng thu nhập.

Những thách thức chính sách kinh tế quan trọng khác trong năm 2012 được bản khảo sát đề cập đến bao gồm duy trì cán cân giữa tăng trưởng và sự ổn định giá cả; triển khai các biện pháp chống lạm phát cũng như chính sách tiền tệ hiệu quả; đối phó với các luồng vốn, nhất là việc tăng các khoản nợ ngắn hạn; xử lý biến động hối đoái và giải quyết những hậu quả của các thảm họa tự nhiên.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hỗn loạn và bất ổn, các nước châu Á-Thái Bình Dương may mắn khi có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, nguồn tài chính dồi dào và sự tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.

Việc lựa chọn những chính sách đúng đắn sẽ giúp cho khu vực năng động này phát triển và giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu kéo dài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục