Châu Âu đang hướng tới cuộc bầu cử quan trọng nhất

Cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng đối với tương lai châu Âu, mà với cả phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh EU vẫn là siêu cường kinh tế, với tổng GDP tương đương với Mỹ, lớn hơn Trung Quốc.
Châu Âu đang hướng tới cuộc bầu cử quan trọng nhất ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin tuần qua, vòng cuối cùng của chiến dịch bầu cử Nghị viện châu Âu mang tính quyết định đã chính thức được phát động.

Các cuộc bầu cử từ ngày 23-26/5 tới đây mang tầm quan trọng rất lớn trong năm nay bởi nó có thể là một cuộc trưng cầu ý dân về công trình hội nhập đã tồn tại 6 thập kỷ qua của một khối các quốc gia đóng tại Brussels.

Cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng đối với tương lai của châu lục, mà với cả phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một siêu cường kinh tế, với tổng GDP tương đương với Mỹ và lớn hơn Trung Quốc.

[Nhóm các nghị sỹ hoài nghi châu Âu sẽ chiếm số lượng lớn tại EP?]

Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới, khi tổng số các quốc gia có châu Âu đang là đối tác hàng đầu trải rộng từ Trung Quốc ở châu Á cho đến tận Brazil ở Nam Mỹ.

Một lý do giải thích tại sao cuộc bầu cử năm nay càng thu hút hơn ở châu Âu là bởi khả năng Anh sẽ tham gia bỏ phiếu đang ngày càng lớn. Gần ba năm sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, các cử tri Anh sẽ vẫn tham gia bỏ phiếu, trừ khi Thủ tướng Theresa May có thể nhanh chóng được Nghị viện thông qua thỏa thuận “ly hôn” EU.

Thế bế tắc dai dẳng của Brexit là một lý do khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả cuộc bỏ phiếu này là một lựa chọn hoặc là vì châu Âu, hoặc chống lại châu Âu.

Trong bối cảnh các đảng có chủ trương chống hội nhập và hoài nghi châu Âu trên khắp lục địa già đang kỳ vọng vào những thành tựu lớn, ông Macron đang tìm cách quy tụ các lực lượng tự do và theo chủ nghĩa quốc tế đã được cứu rỗi bởi cuộc bầu cử Tây Ban Nha hôm 28/4 vừa qua, vốn chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ của đảng Xã hội cực kỳ thân châu Âu.

Quả thực, thách thức đối với ông Macron và những người cùng chí hướng chính là việc cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh phần lớn cử tri đều bất mãn và thờ ơ.

Điều này còn bị kích động bởi thực tế là hầu hết người dân ở châu lục đã không còn niềm tin vào Nghị viện châu Âu, cho rằng EU dường như quá thờ ơ với cuộc sống của họ.

Số lượng cử tri tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã giảm liên tục, từ 62% năm 1979 xuống mức thấp kỷ lục là 42% vào năm 2014.

Tại một số quốc gia, lượng người đi bầu cũng chỉ đạt mức khoảng 2 con số trong lần bầu cử trước.

Sự thờ ơ này xảy ra bất chấp việc các cường quốc phát triển mạnh mẽ được hưởng lợi từ Nghị viện châu Âu.

Khởi đầu được thành lập vào những năm 1950, EP đã đạt được tính hợp pháp về chính trị từ năm 1979, khi nó trở thành một cơ quan được bầu trực tiếp.

Kể từ đó, cơ quan lập pháp này đã có được quyền phủ quyết đối với ngân sách thường niên vào khoảng 157 tỷ USD của EU và duy trì được các quyền sửa đổi hay phản đối hàng loạt dự thảo luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề ra.

Các thành viên mới của EP cũng sẽ có một cơ hội quan trọng để gây ảnh hưởng đối với việc lựa chọn chủ tịch tiếp theo của EC, được coi là người nắm giữ vị trí chủ chốt ở Brussels.

Nguyên nhân của điều này là do các nhóm chủ đạo trong Nghị viện đã xúc tiến một thỏa thuận từ trước cuộc bầu cử 2014, theo đó lần đầu tiên, sự lựa chọn ứng cử viên cho vị chủ tích thay thế Jose Manuel-Barroso phải được ấn định bởi khối cử tri có nhiều ghế nhất.

Mặc dù các chính phủ quốc gia nắm quyền tối thượng trong việc bổ nhiệm, song tiếng nói của cơ quan lập pháp này vẫn lớn hơn nhiều đối với quyết định quan trọng là lựa chọn Jean-Claude Juncker, người đã giữ chức vụ này nửa thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đối với tất cả những điều này, hiện nhân tố phi chính trị, hoài nghi châu Âu của cuộc bầu cử năm nay đang thu hút sự chú ý nhất.

Ở điểm này trong chiến dịch bầu cử, dường như đang có luồng gió lớn thổi căng cánh buồm của những đảng phái chống EU.

Họ đang tìm cách phát triển từ nền tảng các cuộc bầu cử 2014, vốn chứng kiến những thành tựu lớn của các đảng chống hội nhập từ cực hữu cho đến cực tả.

Trong 5 năm qua, sự trỗi dậy của những đảng này vốn đã khiến việc hoạch định chính sách ở Brussels càng thêm phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách kinh tế.

Đó là bởi các đảng hoài nghi châu Âu hầu hết đều phản đối thương mại tự do, và EP thì lại có quyền phủ quyết đối với nhiều hiệp ước quốc tế.

Có một khả năng thực thế rằng các đảng chống hội nhập có thể dành đủ ghế tại cơ quan lập pháp này trong lần bầu cử này để gây ảnh hưởng một cách mạnh mẽ và khả năng còn cản trở sự lập pháp, chứ không chỉ nói suông, và đó chính là vấn đề.

Một lý do khác khiến các đảng hoài nghi châu Âu có được ưu thế trong năm nay là vai trò của cựu cố vấn của Steven Bannon - cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Bannon sẽ phát biểu tại một hội nghị do đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức được tổ chức tại Berlin vào ngày 11/5 tới.

Ông cũng đã xuất hiện ở Italy và tự nhận rằng có công góp phần đưa chính phủ liên minh của Liên đoàn cực hữu và Phong trào Năm Sao dân túy đến với nhau.

Tuy nhiên, những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy cán cân quyền lực trong Nghị viện chủ yếu vẫn đang do những người ủng hộ hội nhập chiếm đa số đang nắm giữ.

Mặc dù điều này sẽ khiến nhiều người ở trong và ngoài châu lục yên lòng, song nó không thể được đảm bảo chắc chắn, trong bối cảnh hàng triệu người hiện đã tỉnh ngộ với thực trạng hiện nay.

[Trì hoãn Brexit có ý nghĩa gì đối với bầu cử EU?]

Việc các đảng hoài nghi châu Âu ngày càng được tín nhiệm phản ánh hàng loạt yếu tố, chứ không chỉ là sự phản đối việc tăng cường hội nhập châu Âu của người dân.

Các vấn đề lớn hơn còn bao gồm sự bất an từ trong sâu thẳm đối với các đảng chính trị và các hệ thống đã được thiết lập từ lâu ở các quốc gia, nỗi lo ngại xung quanh vấn đề nhập cư, và sự bất mãn đối với thời kỳ suy thoái kinh tế hậu 2008, cũng như các biện pháp khắc khổ kéo theo sau đó.

Xét một cách toàn diện, kết quả cuộc bầu cử EU sắp tới đây hẳn sẽ có tác động lớn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh những thành phần hoài nghi châu Âu đang nỗ lực giành được thành tựu lớn, kết quả bầu cử sẽ dựa vào tỷ lệ cử tri và khả năng các cử tri đến từ khu vực trung tâm của các hoạt động chính trị của châu Âu có đạt đủ số lượng cần thiết để đảm bảo sự vượt trội về quyền lực trong cơ quan lập pháp tiếp tục nằm trong tay phe đa số ôn hòa hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục