Châu Âu "gồng mình" ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp

Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng sớm thông qua “cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài” nhằm ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các công ty ở châu Âu.
Châu Âu "gồng mình" ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp ảnh 1Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (www.ecfr.eu), Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng sớm thông qua “cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài” nhằm ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các công ty ở châu Âu.

Cuối năm 2018, bốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy và Anh có thể sẽ tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ tài sản kinh tế của họ trước hoạt động thâu tóm của nước ngoài.

Đây chính là phản ứng trước chiến lược của Trung Quốc muốn tạo ra những tập đoàn công nghiệp sáng tạo hàng đầu trên thế giới nhằm phục vụ lợi ích của nước này, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng.

Chỉ trong vòng 1 tuần, lần đầu tiên chính phủ Đức đã tiến hành 2 biện pháp phòng vệ chưa từng có tiền lệ nhằm vào Trung Quốc.

Tháng 7/2018, chính phủ liên bang Đức đã cho phép ngân hàng phát triển nhà nước KfW nắm giữ 20% cổ phần của Công ty truyền tải điện 50Hertz Transmission GmbH - một trong những nhà cung ứng lưới điện lớn nhất của Đức. Điều này có nghĩa là những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thâu tóm công ty này đã thất bại.

Ngoài ra, Berlin cũng ngăn chặn một vụ thâu tóm khác của Trung Quốc khi Tập đoàn Yantai Taihai muốn mua lại Leifeld Metal Spinning, công ty chuyên sản xuất thiết bị kim loại kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp vũ trụ và năng lượng.

Khi thực hiện quyền phủ quyết, Chính phủ Đức đã nêu lý do an ninh và buộc công ty Leifled phải tuân thủ. Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Đức tiến hành sửa đổi Sắc lệnh ngoại thương và thanh toán nhằm thắt chặt quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cho phép Chính phủ đưa ra đánh giá về khía cạnh an ninh trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua 25% cổ phần của công ty trong nước.

Những quy định kiểm soát đầu tư nước ngoài chặt chẽ của Đức được khởi xướng không chỉ ở cấp liên bang mà còn cả cấp tiểu bang.

Tháng Tư vừa qua, bang Bundesrat, đại diện cho các bang ở Đức, đã hối thúc chính quyền liên bang hạ mức cho phép nước ngoài đầu tư từ 25% xuống 10%. Đề xuất này của các bang thể hiện sự nhất trí của Đức trong việc tăng cường biện pháp bảo vệ trước nguồn tài chính dồi dào và tham vọng công nghiệp của Trung Quốc.

Mặc dù trước đây, các bang của Đức đã được hưởng lợi kinh tế từ hoạt động đầu tư của Trung Quốc, song họ nhận thấy rằng các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung đầu tư vào những ngành công nghiệp chủ chốt trong khi chính phủ liên bang thiếu các biện pháp bảo vệ.

Còn Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho biết có thể sẽ hạ xuống mức 15%.

[Không phải cuộc chiến thương mại, Trung Quốc cấp bách nhất vấn đề nào?]

Trong khi đó, Chính phủ Pháp đang chuẩn bị trình Quốc hội kế hoạch hành động bảo vệ tài sản chiến lược quốc gia. Năm 2004, Chính phủ đã ban hành một sắc lệnh cho phép Bộ Kinh tế ngăn chặn việc thâu tóm các tài sản liên quan tới công nghiệp quốc phòng.

Năm 2014, Chính phủ ban hành một sắc lệnh khác, trong đó đã đưa thêm các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên nước, thông tin điện tử và y tế công vào danh sách những lĩnh vực được bảo vệ. Chính phủ Pháp hiện có kế hoạch bổ sung các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ nano, vũ trụ và tài chính vào danh sách để điều chỉnh các biện pháp phòng vệ của nước này phù hợp với các biện pháp phòng vệ của Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh đó, Pháp cũng đang xây dựng các công cụ mới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước nguy cơ bị ép buộc chuyển giao khi các công ty Pháp đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, Pháp cũng đang tính tới việc chuyển thẩm quyền sàng lọc đầu tư hiện thuộc chức năng của Bộ Kinh tế sang văn phòng Tổng thống.

Văn phòng Tổng thống Macron đã sớm thể hiện quyết tâm bảo vệ tài sản công nghiệp không để bị nước ngoài thâu tóm. Ngay sau khi nhậm chức, chính phủ mới đã quyết định tạm thời quốc hữu hóa Công ty đóng tàu STX nhằm ngăn chặn các công nghệ dân sự và lưỡng dụng rơi vào tay các công ty Trung Quốc liên doanh với Công ty Fincantieri của Italy trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu chất lượng cao.

Tiếp đến, Italy cũng đã mở rộng hệ thống kiểm soát đầu tư nước ngoài đối với các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh để chính phủ có thể kiểm soát các loại công nghệ cao nói chung. Hiện chính phủ Italy có thể phủ quyết những giao dịch trong các ngành công nghiệp này hay đưa ra điều kiện cho tất cả các bên tham gia đầu tư.

Đầu năm 2018, Rome đã sử dụng những quyền mới để đặt điều kiện đối với Công ty Vũ trụ Piaggio trong thương vụ bán động cơ phản lực P180 cho Công ty đầu tư PAC - công ty được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, đồng thời ngăn chặn bất cứ sự chuyển giao công nghệ quân sự nào.

Vương quốc Anh cũng tiến hành các biện pháp tương tự. Mới đây, Chính phủ Anh đã đệ trình Quốc hội đề xuất cải cách an ninh quốc gia và đầu tư. Đề xuất này bao gồm cơ chế kiểm soát đầu tư phát sinh từ những thông báo về các giao dịch có vấn đề.

Khi chương trình này đi vào hoạt động sẽ có khả năng tiếp nhận khoảng 200 thông báo mỗi năm và một nửa trong số thông báo đó có thể cần phải được đánh giá dưới góc độ an ninh quốc gia. Kế hoạch này cũng tạo ra một công cụ cho phép áp đặt điều kiện để giảm thiểu rủi ro, trong đó có các biện pháp trừng phạt. Biện pháp này của chính phủ Anh sẽ tạo ra một hệ thống sàng lọc đầu tư chặt chẽ tập trung vào lĩnh vực an ninh quốc gia chứ không phải tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, trong đó liệt kê ba mối đe dọa để tiến hành đánh giá dưới góc độ an ninh: các hoạt động tình báo, khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu, những hậu quả tiềm ẩn của những hoạt động này.

Những động thái phòng vệ diễn ra ở Pháp, Đức, Italy và Anh tạo thành một phần của sự thay đổi trong chính sách của các nước phương Tây đối với Trung Quốc. Các diễn biến tương tự cũng đang diễn ra ở Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ.

Nhìn xa hơn, một câu hỏi được đặt ra là mức độ lan tỏa của biện pháp phòng vệ này sang phần còn lại của châu Âu như thế nào. Hội đồng châu Âu cần thông qua đề xuất kiểm soát đầu tư của Ủy ban châu Âu trong năm nay. Khi đề xuất này có hiệu lực, nó vẫn vấp phải sự hoài nghi nhất định trong việc triển khai do thực tế nó không mang tính ràng buộc.

Chính vì vậy, EU vẫn sẽ thiếu những quyền lực thực thi để ngăn chặn những thương vụ thâu tóm khi cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục