Châu Âu không muốn chậm chân trong nền kinh tế vũ trụ

Trong các ngày 6 và 7/11, các nước châu Âu tổ chức 2 sự kiện tập trung thảo luận về vấn đề năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực không gian mà công ty vũ trụ SpaceX của Mỹ đang giữ thế áp đảo.
Châu Âu không muốn chậm chân trong nền kinh tế vũ trụ ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/11, hơn 20 quốc gia thành viên Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) họp tại Tây Ban Nha để thảo luận về việc đầu tư cho dự án tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn cũng như nghiên cứu về vai trò mới của châu lục trong lĩnh vực không gian giữa lúc xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi không nên bỏ lỡ cơ hội của nền kinh tế vũ trụ mới nổi.

Trong các ngày 6 và 7/11, các nước châu Âu tổ chức 2 sự kiện tập trung thảo luận về vấn đề năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực không gian mà công ty vũ trụ SpaceX của Mỹ đang giữ thế áp đảo. Cụ thể, cuộc họp cấp bộ trưởng của 22 nước thành viên ESA diễn ra tại Seville ngày 6/11 và tiếp đến là phiên họp chung với Liên minh châu Âu (EU) một ngày sau đó.

Các sự kiện được đề cập như "Thượng đỉnh không gian" này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang thiếu năng lực tiếp cận không gian một cách chủ động sau khi dự án tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn, trong khi mẫu tên lửa Vega-C nhỏ hơn đang tạm dừng khai thác để khắc phục lỗi và khó khăn trong việc sử dụng dịch vụ tên lửa Soyuz của Nga do căng thẳng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.

Tại hai cuộc họp, các bộ trưởng sẽ tìm cách tháo gỡ những căng thẳng trong nhóm các nước đi đầu về không gian gồm Pháp, Đức và Italy liên quan chính sách triển khai, trong đó có việc cấp vốn trung hạn cho dự án Ariane 6 dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong năm 2024, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Ngoài ra, các bộ trưởng sẽ thảo luận về đề xuất của ESA gọi vốn đầu tư tư nhân cho dự án máy bay không gian, được thiết kế để đưa hàng hóa đến và đi từ các trạm vũ trụ trong tương lai. Dần dần, dự án mở rộng ra các chuyến bay đưa người vào không gian.

Phát biểu trước thềm cuộc họp tại Seville, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher kêu gọi các nước tránh lặp lại những sai lầm quá khứ trong lĩnh vực công nghệ. Ông nhận định nền kinh tế vũ trụ đang phát triển, việc đứng ngoài lĩnh vực này là một sai lầm chiến lược khó có thể bào chữa.

[Tên lửa Vega-C của châu Âu mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng]

Khoảng 2 thập niên trước, châu Âu không thua kém đáng kể so với Mỹ hay Nhật Bản tính theo số lượng bằng sáng chế và năng lực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ngày nay, trong nhóm những công ty công nghệ thông tin lớn nhất thế giới không có công ty nào ở châu Âu, cho thấy "Lục địa Già" đang tụt hậu trong lĩnh vực này. Điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực công nghệ lượng tử khi châu lục này đang cố gắng để bắp kịp tiến bộ ở các nước khác.

Hiện nay, châu Âu được đánh giá là có vai trò đi đầu trong các hoạt động giám sát khí hậu, điều hướng và khoa học không gian, nhưng lại chưa có được vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai phá không gian mà chỉ lựa chọn tham gia đóng góp vào các dự án do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện và gần nhất là trong các dự án không gian của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục