Châu Âu tiếp tục căng thẳng vì đại dịch COVID-19

Nga ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ cao nhất từ trước tới nay, Italy ban hành sắc lệnh mới về phòng, chống dịch bệnh trong khi Pháp để ngỏ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm.
Châu Âu tiếp tục căng thẳng vì đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi Nga ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ cao nhất từ trước tới nay, Italy ban hành sắc lệnh mới về phòng, chống dịch bệnh trong khi Pháp để ngỏ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm.

Ngày 13/10, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga đã lên mức cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm nay.

Cụ thể, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận thêm 13.868 ca mắc mới COVID-19 và 244 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 lên lần lượt là 1.326.178 và 22.966 người.

[Nga xây dựng hệ thống quốc gia đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới]

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 12/10, Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte đã ký ban hành sắc lệnh mới hạn chế một số hoạt động nhằm đối phó dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tiếp tục tăng tại quốc gia này. Sắc lệnh có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký.

Điểm mới trong sắc lệnh mới ban hành là cấm tổ chức tiệc riêng (cả trong nhà và ngoài trời) với số người tham dự vượt quá 6 người không sống cùng nhà.

Các nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa lúc 24 giờ đêm và kể từ 21 giờ chỉ được phục vụ tại bàn.

Châu Âu tiếp tục căng thẳng vì đại dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, sắc lệnh còn bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời và trong nhà, khuyến cáo đeo khẩu trang ngay cả tại nơi ở khi có mặt người lạ không sống cùng nhà; đóng cửa các vũ trường, phòng khiêu vũ; đình chỉ các hoạt động trao đổi giáo dục, các chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh.

Đối với các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, số lượng khán giả giới hạn ở mức 200 người trong nhà và 1.000 người ngoài trời, đồng thời phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m.

Tất cả các cuộc thi đấu thể thao và các hoạt động liên quan đến các môn thể thao có tiếp xúc có tính chất nghiệp dư đều bị cấm.

Tuy nhiên, Chính phủ Italy cho phép tổ chức các hội chợ, hội nghị, các nghi lễ dân sự hay tôn giáo (như đám cưới), các bữa tiệc sau các buổi lễ có thể diễn ra với sự tham dự của tối đa 30 người, và phải tuân thủ các giao thức và hướng dẫn đã có hiệu lực.

Chính phủ Italy ban hành sắc lệnh trên sau cuộc họp của Hội đồng Khoa học kỹ thuật quốc gia nhằm đưa ra các hướng dẫn để đối phó với tình trạng lây nhiễm đang tăng nhanh tại Italy trong những ngày gần đây.

Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình Rai3 cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc như hồi tháng 3 do Italy đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với tình trạng khẩn cấp này.

Trong khi đó, các bộ trưởng Pháp đều cho biết chính phủ nước này không loại trừ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm tại các thành phố, như ở thủ đô Paris, nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu tính đến ngày 12/10 lần đầu tiên vượt 1.500 người kể từ ngày 27/5 vừa qua.

Châu Âu tiếp tục căng thẳng vì đại dịch COVID-19 ảnh 3Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện ở Pháp là 1.539 người, giảm hơn 5 lần so với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 8/4 (với 7.148 ca), nhưng cao gấp 4 lần so với mức thấp nhất thông báo ngày 31/7 (với 371 ca).

Tại Pháp, thông thường số người phải nhập viện vì các bệnh khác nhau vào mùa Thu cao hơn vào mùa Xuân, do đó, giới chức y tế nước này lo ngại hệ thống y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu không hành động để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai lây lan "mạnh mẽ" và không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa.

Pháp đã ghi nhận tổng cộng 743.479 ca nhiễm sau khi có thêm 8.505 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 95 ca lên tổng cộng 32.825 ca.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết chính phủ nước này có thể siết chặt hơn nữa các hạn chế nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tiếp tục gia tăng tại những khu vực có nguy cơ cao.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với khu vực được xếp vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm "rất cao."

Hiện thành phố Liverpool và khu vực lân cận là nơi đầu tiên ở England bị đưa vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm "rất cao," tương đương cảnh báo cấp độ 3 - cao nhất trong thang gồm 3 cấp độ.

Theo hệ thống đánh giá gồm 3 cấp độ, các khu vực được phân loại có nguy cơ lây nhiễm "rất cao" phải đóng cửa quán rượu và thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội khác như không tổ chức tiệc cưới, đóng cửa các trung tâm thể thao trong nhà, cũng như các sòng bạc.

Tuy nhiên, các trường học, quán cà phê và nhà hàng vẫn mở cửa như hầu hết các văn phòng làm việc, dù người dân được khuyến khích làm việc tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục