Chầu văn và Lễ hội Phủ Dầy là Di sản Văn hóa phi vật thể

Nghi lễ Chầu văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dầy của tỉnh Nam Định chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chầu văn và Lễ hội Phủ Dầy là Di sản Văn hóa phi vật thể ảnh 1Biểu diễn nghi lễ Chầu văn. (Nguồn: TTXVN)

Tối 22/11, tỉnh Nam Định tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với hai di sản là “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”.

Đây đều là hai di sản gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ của người Việt; trong đó Phủ Dầy (Nam Định) là trung tâm, nơi khởi nguồn, hội tụ và lan tỏa của tín ngưỡng bản địa này.

Việc công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho hai di sản này có ý nghĩa quan trọng. Ngoài việc tôn vinh, quảng bá di sản, đẩy mạnh công tác xã hội hóa còn là tiền đề và cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt quốc gia đồng thời lập hồ sơ “Nghi lễ chầu văn của người Việt” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.

Nghi lễ Chầu văn hầu đồng là một nghi lễ đặc trưng quan trọng nhất của Đạo Mẫu, diễn ra trong không gian thiêng của hệ thống đền thờ Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần.

Đây là một di sản văn hóa phi vật thể tổng hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian khác như âm nhạc, ngôn ngữ, ca hát, trình diễn (diễn xướng) dân gian… tạo nên một hình thức sân khấu tâm linh mang tính thiêng liêng huyền bí.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, nghi lễ Chầu văn đã được phái sinh, biến đổi trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu (từ cõi thiêng ra cõi tục).

Nam Định là địa phương đầu tiên đưa nghệ thuật dân gian truyền thống này lên sân khấu phục vụ trong kháng chiến chống Mỹ với những giai điệu ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ.

Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt, trải qua nhiều thế hệ đã được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa rộng khắp ra các vùng miền trên toàn quốc.

Lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia lần này nằm trong những hoạt động của tỉnh Nam Định kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục