Chênh lệch trong triển vọng phục hồi kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương

Báo cáo mới nhất về các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của WB đã nêu bật sự chênh lệch về triển vọng tăng trưởng của khu vực này, khi các nước đang phục hồi sau tác động của COVID-19.
Chênh lệch trong triển vọng phục hồi kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương ảnh 1 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo mới nhất về các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu bật sự chênh lệch về triển vọng tăng trưởng của khu vực này, khi các nước đang phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19 cùng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

WB cho biết chỉ có Trung Quốc và Việt Nam đi theo con đường phục hồi hình chữ V (chỉ nền kinh tế trải qua giai đoạn suy thoái sâu trong một thời gian ngắn rồi tăng trưởng mạnh ngay sau đó). Sản lượng của hai nền kinh tế này đã vượt qua mức trước COVID-19 ngay trong năm 2020.

Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch ở châu Á. Dự kiến, kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng là 8,1%. Con số này của Việt Nam là 6,1%.

Ở các nền kinh tế lớn khác của khu vực, sản lượng kinh tế đã thấp hơn trung bình khoảng 5% so với mức trước đại dịch. WB cho biết các quốc gia không thể khôi phục hoàn toàn các ngành xuất khẩu, hoặc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đang phải trải qua giai đoạn khó khăn để đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2021.

Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng khu vực dự kiến đạt 4,4% vào năm 2021. Với Indonesia 4,4% và Malaysia 6%, sản lượng dự kiến sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2021. Còn tại Thái Lan 3,4 % và Philippines 5,5%, nền kinh tế có khả năng duy trì dưới mức trước đại dịch cho tới năm 2022.

Khi bao gồm cả Trung Quốc, tăng trưởng chung của khu vực dự kiến đạt 7,4% vào năm nay. 5 nền kinh tế chính của Đông Nam Á - gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan - dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 4,8% vào năm 2021 và 5,1%. vào năm 2022.

Đối với các doanh nghiệp trong toàn khu vực, nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với các công ty lớn.

Doanh số của nhóm này cũng sụt giảm sâu hơn, ngay cả khi đã điều chỉnh các chênh lệch về năng suất lao động, tuổi tác và vị trí của nhân công. Trong khi doanh số bán của các doanh nghiệp siêu nhỏ giảm 33%, các doanh nghiệp lớn hơn chỉ giảm 25%.

[Chuyên gia WB: Kinh tế Việt Nam phục hồi theo hình chữ V]

Báo cáo cũng lưu ý rằng nợ công trong khu vực đã tăng trung bình lên tương đương khoảng 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do các chính phủ cam kết hỗ trợ tài khóa bằng gần 10% GDP (so với mức trung bình khoảng 17% ở châu Âu).

Trong khi nợ công và thâm hụt tài khóa gia tăng có khả năng hạn chế chi tiêu chính phủ vào thời gian tới, WB cho biết chính sách tài khóa nên đóng ba vai trò cùng lúc là cứu trợ nền kinh tế, đảm bảo phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.

Về mặt tích cực, WB nhận định phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ được hỗ trợ một phần bởi gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa.

Điều này có thể trở thành một động lực bên ngoài và giúp kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tăng trưởng thêm tới 1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo ngành du lịch toàn cầu dự kiến sẽ vẫn dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2023, từ đó làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục