Chỉ dẫn địa lý 'Thanh long Bình Thuận' tại Nhật: Cơ hội và thách thức

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính.
Chỉ dẫn địa lý 'Thanh long Bình Thuận' tại Nhật: Cơ hội và thách thức ảnh 1Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 29/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Công bố cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.

Việc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho thanh long Bình Thuận.

Tăng lợi thế cạnh tranh

Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục rất phức tạp, ngày 7/10/2021, chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản với số văn bằng 110.

Đây là sản phẩm nước ngoài thứ 3 và là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận đối với thị trường này, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

[Thanh long Bình Thuận có "giấy thông hành" vào "thị trường khó tính"]

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ), cho biết việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này. Đồng thời góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm, triển vọng mới cho nông sản Việt Nam thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 33 nghìn ha thanh long với sản lượng thu hoạch hơn 690.000 tấn.

Hiện tại có 5 địa phương đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là năm nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất và kinh doanh trái thanh long trên địa bàn tỉnh. Bởi sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản.

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 8/7/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Hiện chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng với đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long gồm: Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hồng Sơn, Hàm Minh 30 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ có thể nói như “giấy thông hành” để trái thanh long tiến mạnh vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Thách thức sau bảo hộ

Được đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản mở ra cơ hội rất lớn để thanh long Bình Thuận thâm nhập vào một thị trường mới, thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thanh long.

Chỉ dẫn địa lý 'Thanh long Bình Thuận' tại Nhật: Cơ hội và thách thức ảnh 2Trao văn bằng chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một bước tiến quan trọng nhưng việc phát huy tính bền vững của chỉ dẫn địa lý này lại quan trọng hơn.

Với hàng loạt các yêu cầu nghiêm ngặt về mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ thông tin báo cáo… của thị trường Nhật Bản, để triển khai quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Ủy ban Nhân dân tỉnh đến các sở, ngành, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. Từng hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh phân phối phải ý thức và hợp tác với nhau để thanh long phát triển bền vững hơn nữa.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 37 triệu USD, tương đương với gần 32.000 tấn thanh long tươi.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu tại châu Á như Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc và các nước châu Âu…

Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.

Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2-3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.

Chỉ dẫn địa lý 'Thanh long Bình Thuận' tại Nhật: Cơ hội và thách thức ảnh 3Chăm sóc cây thanh long ở Bình Thuận. (Ảnh: TTXVN)

Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận,” ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tổ chức, quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quả thanh long sử dụng tem, nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và tem chỉ dẫn địa lý do phía Nhật Bản cấp trên trái và thùng thanh long khi xuất khẩu qua Nhật Bản.

Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tăng cường phổ biến tuyên truyền cho hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật về chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản để duy trì hiệu lực văn bằng đã được công nhận; giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc hiệp hội, đảm bảo các hội viên thực hiện đúng theo quy chế quản lý quá trình sản xuất đã được đăng ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF).

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thanh long mang chỉ dẫn địa lý Bình Thuận đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất-tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục