Chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch khá thành công trong phiên ngày 6/11, với chỉ số chủ chốt Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Cổ phiếu có mức tăng "đỉnh" nhất trong Dow Jones là cổ phiếu của hãng Microsoft, với mức tăng 4,2% sau báo cáo cho biết hãng này đã chốt lại danh sách lựa chọn một số giám đốc điều hành và đang xem xét việc đưa giám đốc điều hành của Ford là Alan Mulally vào vị trí Tổng giám đốc điều hành Microsoft.
Một số cổ phiếu tăng vọt khác là cổ phiếu của đại gia ngành điện General Electric (+1,8%); United Health Group (+2,3%) và các "ông lớn" ngành dầu khí là Chevron (+2,3%) ExxonMobil (+1,3%). Cổ phiếu của hãng thời trang Ralph Lauren cũng tăng tới 4,3% sau khi ra báo cáo lợi nhuận tăng vượt dự báo.
Đóng cửa phiên 6/11, Dow Jones tăng 128,66 điểm (0,82%) lên 15.746,88 điểm - thiết lập một kỷ lục mới, phá vỡ kỷ lục cũ được lập ngày 29/10 vừa qua.
S&P 500 tăng 7,52 điểm (0,43%) lên 1.770,49 điểm, song Nasdaq Composite lại giảm nhẹ 0,20% (7,92 điểm) xuống 3.931,95 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng phần lớn tăng điểm nhờ hy vọng vào việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất tại phiên họp định kỳ hàng tháng lần này.
Trong phiên này, trên thị trường tiền tệ, đồng euro cũng phục hồi so với đồng USD do nhà đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Đức, với lượng đơn đặt hàng công nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng về khả năng cắt giảm lãi suất của ECB sẽ khiến đồng euro yếu đi, qua đó thúc đẩy nhu cầu chi tiêu tiêu dùng trong nước, và đây là điều có lợi cho thị trường cổ phiếu.
Đóng cửa phiên 6/11, chỉ có FTSE 100 của Anh giảm không đáng kể 0,08% xuống 6.741,69 điểm; trong khi DAX 30 của Đức tăng 0,35% lên 9.040,87 điểm và CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,79% lên 4.286,93 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á mở cửa phiên 7/11 phần lớn đang ở trong trạng thái "lình xình", bất chấp chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ ngay trong phiên liền trước.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,27% do nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp quan trọng sắp tới của Đảng Cộng sản (khai mạc vào ngày 9/11).
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng hầu như đi ngang khi nhà đầu tư tại đây đang có ý chờ đợi số liệu về tăng trưởng kinh tế của Mỹ, sẽ công bố vào cuối ngày hôm nay, để có định hướng đầu tư.
Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng không biến động nhiều, chỉ nhích nhẹ 0,13% khi thị trường đang tạm "xả hơi" sau những phiên giao dịch đầy biến động vừa qua, khi nhà đầu tư đón nhận một loạt kết quả kinh doanh tốt xấu đan xen của các doanh nghiệp niêm yết./.