Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên chinh phục mốc 17.000 điểm

Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên chinh phục mốc 17.000 điểm sau khi nhà đầu tư đón nhận thông tin thị trường việc làm Mỹ tăng mạnh ngoài dự kiến trong tháng Sáu.
Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên chinh phục mốc 17.000 điểm ảnh 1Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngắn hơn thường lệ 3 tiếng để nghỉ Lễ Độc lập sớm, Phố Wall phiên 3/7 ghi dấu một thời khắc lịch sử của chứng khoán Mỹ, đó là việc chỉ số chủ chốt Dow Jones Industrial Average lần đầu tiên chinh phục mốc 17.000 điểm sau khi nhà đầu tư đón nhận thông tin thị trường việc làm Mỹ tăng mạnh ngoài dự kiến trong tháng Sáu.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Sáu đã giảm từ mức 6,3% của tháng Năm xuống 6,1%, do 288.000 việc làm mới đã được tạo ra trong tháng - một con số vượt dự kiến của giới chuyên gia.

Chỉ trong vòng 40 phút cuối phiên sau khi thông tin trên được loan báo, chỉ số Dow Jones đã tăng "vù vù," thêm 74,56 điểm, nên chốt phiên 3/7 ở 17.068,26 điểm - lần đầu tiên cán mốc 17.000 điểm.

Tính chung cả bốn phiên giao dịch trong tuần này (chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Độc lập vào phiên cuối tuần 4/7), Dow Jones tăng được tổng cộng 216,42 điểm (1,28%) lên chốt tuần ở 17.068,26 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên 3/7 cũng tăng thêm 7,01 điểm (0,36%) lên 1.985,44 điểm. Tính chung cả tuần, S&P 500 cũng tăng được 24,48 điểm (1,25%) lên 1.985,44 điểm.

Cả hai chỉ số này đều liên tiếp lập các kỷ lục đỉnh cao mới (3 trong số 4 phiên giao dịch trong tuần), trong đó Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 17.000 điểm.

Trong phiên trước kỳ nghỉ Lễ, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng được 88 điểm (2,0%) lên chốt phiên và chốt tuần ở 4.485,93 điểm.

Theo các nhà phân tích, báo cáo tích cực về thị trường lao động tháng Sáu là tín hiệu mới nhất trong một loạt các chỉ số kinh tế tích cực gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đi lên vững chắc và sự suy giảm GDP trong quý 1 vừa qua thực sự chủ yếu là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt bất thường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng thị trường hiện đang quá hưng phấn và có thể sắp tới sẽ có những đợt điều chỉnh giảm nếu kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng.

Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán chủ chốt trong khu vực cũng đồng loạt tăng mạnh, với chỉ số DAX của Đức lập kỷ lục đỉnh cao mới, khi nhà đầu tư chào đón số liệu tích cực từ thị trường việc làm Mỹ cũng như một quyết định gây bất ngờ khác của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Đóng cửa phiên 3/7, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều tăng mạnh, trong đó DAX 30 của Đức tăng 1,19% lên 10.029,43 điểm, phá đỉnh cao kỷ lục cũ được lập vào tháng trước; FTSE 100 của Anh tăng 0,72% lên 6.865,21 điểm, trong khi CAC 40 của Pháp tăng hơn 1% lên 4.489,88 điểm.

Kết thúc cuộc họp tại Frankfurt (Đức), ECB công bố giữ nguyên lãi suất ở mức 0,15% như hiện tại và cho biết kể từ tháng 1/2015, ngân hàng này sẽ tổ chức các cuộc họp về chính sách 6 tuần một lần thay vì một tháng một lần như hiện tại.

Theo các nhà phân tích, việc không thay đổi lãi suất tại cuộc họp lần này được cho là một quyết định bất ngờ khác của ECB sau khi cơ quan này vào tháng trước đã bất ngờ cắt giảm lãi suất, đồng thời tuyên bố một số biện pháp nới lỏng tiền tệ mới.

Động thái giữ nguyên lãi suất lần này của ECB cũng giúp làm giảm sức ép lên thị trường.

Sang phiên sáng cuối tuần 4/7 trên thị trường châu Á, các thị trường trong khu vực cũng đang phần lớn đi lên, trong đó chứng khoán Tokyo đang tạm tăng 0,53%; Hong Kong +0,33%; Sydney +0,69%; Seoul +0,12%, trong khi Thượng Hải (Trung Quốc) đi ngang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục