Chỉ số VN-Index khó vượt mốc 1.000 điểm trong tuần tới

Dù nội lực thị trường khá vững nhưng VN-Index có thể khó vượt mốc 1.000 điểm trước những diễn biến căng thẳng mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số VN-Index khó vượt mốc 1.000 điểm trong tuần tới ảnh 1Kết thúc tuần giao dịch từ 19-23/8, VN-Index tăng 12,45 điểm lên 992,45 điểm. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy cảm xúc khi chỉ số VN-Index một lần nữa lỡ hẹn với mốc 1.000 điểm.

Điều này cho thấy mốc 1.000 điểm vẫn là ngưỡng tâm lý khó vượt qua.

Dù nội lực thị trường khá vững với sự tăng trưởng của các nhóm, ngành cổ phiếu nhưng VN-Index có thể khó vượt mốc 1.000 điểm trước những diễn biến căng thẳng mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Kết thúc tuần giao dịch từ 19-23/8, VN-Index tăng 12,45 điểm lên 992,45 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,905 điểm lên 103,25 điểm.

[Cổ phiếu ngành tôm tăng mạnh nhờ thuế xuất vào Mỹ về 0%]

Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước, đạt khoảng gần 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Bên cạnh đó, khối ngoại tuần qua giao dịch sôi động khi mua ròng trở lại 548 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường tuần qua đều có diễn biến tích cực. Đóng góp lớn cho đà tăng của chỉ số VN-Index là nhóm cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, cổ phiếu VIC tăng tới 3,5%, VHM tăng 4,2%.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như FPT tăng tới 4,6%, HPG tăng1,5%, VJC tăng 2,7%, BVH tăng 1,8%...

Ở chiều ngược lại, 2 mã vốn hóa lớn ngành thực phẩm đồ uống là VNM giảm 0,9%, SAB 0,1%.

Như vậy, có thể thấy sự tích cực đang chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Số cổ phiếu tăng giá đang chiếm đông đảo và mức tăng cũng lớn hơn mức giảm.

Bên cạnh đó, tuần qua, nhóm dầu khí giao dịch khá sôi động. Các mã cổ phiếu trụ cột như GAS tăng 3%, POW tăng 2,3%, PVD tăng 12,3%, PVS tăng 3%, PVC tăng 2,4%.

Giá cổ phiếu dầu khí phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của giá dầu thế giới.

Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua (phiên 23/8) sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD của Mỹ; trong đó, bao gồm cả dầu thô.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 58 xu (1%) xuống chốt phiên ở mức 59,34 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi tới 1,18 USD (khoảng 2,1%) xuống còn 54,17 USD/thùng.

Sự lao dốc của giá hai loại dầu trên trong phiên 23/8 diễn ra sau khi Bộ thương mại Trung Quốc vào cùng ngày cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 5% hoặc 10% đối với tổng số 5.078 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ; trong đó có dầu thô, các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và máy bay cỡ nhỏ.

Ngay sau đó, trong thông báo đăng trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích quyết định mới nhất của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định Washington sẽ có hành động mạnh mẽ.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/10 tới.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9.

Ông Marshall Steeves, nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty nghiên cứu IHS Markit cho biết động thái nâng thuế quan của Trung Quốc không quá bất ngờ khi cân nhắc đến tình trạng leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế cụ thể đối với mặt hàng dầu thô của Mỹ chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu WTI.

Còn theo ông Matt Smith, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường hàng hóa tại công ty chuyên về lĩnh vực năng lượng ClipperData, sự tăng giảm nhanh chóng của giá năng lượng phản ánh mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động từ diễn biến này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Diễn biến này đã kéo dài trong những tháng qua và dẫn đến tác động tiêu cực lên thị trường. Điều bất lợi là nhiều khả năng tình trạng căng thẳng và ảnh hưởng của chúng sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty tư vấn đầu tư OANDA cho biết, rủi ro đối với triển vọng nhu cầu năng lượng là rất cao khi cuộc chiến thương mại vẫn còn tiếp tục “tăng nhiệt” và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã không thể tiến hành một chiến dịch nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ.

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị tổ chức ở Jackson Hole, bang Utah, ông Powell đã phát đi những tín hiệu về khả năng Fed sẽ tiến hành các biện pháp kích thích cho nền kinh tế.

Nhưng giới quan sát cho rằng chúng sẽ không xảy ra nhanh như dự kiến ban đầu của thị trường.

Chuyên gia Edward Monya cũng nói rằng, giá dầu thô sẽ khá “chật vật” trong thời gian tới. Vì những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu và việc Mỹ chậm tiến hành những biện pháp kích có thể sẽ khiến dự báo về nhu cầu năng lượng thế giới tiếp tục giảm xuống.

Như vậy, nhóm cổ phiếu dầu khí có thể gặp những bất lợi nếu những nhận định trên thật sự diễn ra.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường là ngân hàng cũng diễn biến khá tích cực.

Các cổ phiếu như BID tăng 4,3%, VCB tăng 1,7%, VPB tăng 1,9%, MBB tăng 2,7%, trong khi đó giá các mã như: CTG, EIB, HDB dao động đi ngang với biên độ hẹp.

Dù nội tại nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang rất vững. Nhưng tuần tới là một tuần khá nhạy cảm khi VN-Index đang gần tiệm cận đến mốc 1.000 điểm, khiến việc dự đoán xu hướng của nhóm cổ phiếu này trong tuần tới trở nên khó khăn.

Việc thị trường có tăng trưởng được hay không, không chỉ phụ thuộc vào các diễn biến hiện tại của nhóm cổ phiếu mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế.

Đây là thời điểm quan trọng vì tâm lý nhà đầu tư bị thử thách khi VN-Index chạm mốc 1.000 điểm. Nếu nhìn vào nội lực hiện tại của thị trường thì rõ ràng là không có vấn đề gì, nhưng xét về mặt tâm lý, mốc 1.000 điểm thường khiến nhà đầu tư “chùn bước.”

VN-Index muốn vượt mốc 1.000 điểm có lẽ cần thêm động lực từ bên ngoài, nhưng hiện nay các động lực này vẫn chưa xuất hiện.

Thay vào đó là những bất lợi cho thị trường khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD của Mỹ.

Thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế và những đồn đoán về đường hướng chính sách tiền tệ của Fed là những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán thế giới tuần qua.

Cuối tuần qua, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi những đồng thái mới nhất từ Washington và Bắc Kinh đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang và làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Trên Phố Wall, Dow Jones mất hơn 600 điểm (2,4%) xuống 25.628,90 điểm, qua đó đẩy chỉ số công nghiệp này vào tuần mất điểm thứ tư liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống còn 2.847,11 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm đến 3% và khép phiên ở mức 7.751,77 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm khá mạnh. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) giảm 0,5% xuống còn 7.094,98 điểm.

Trong khi đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) mất 1,1% và khép phiên ở mức 5.326,87 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số tổng hợp Euro Stoxx đồng loạt giảm 1,2% xuống các mức lần lượt 11.611,51 điểm và 3.334,25 điểm.

Dưới góc nhìn của các nhà phân tích tới từ các công ty chứng khoán trong nước, diễn biến thị trường cho thấy đã xuất hiện dấu hiệu không ủng hộ VN-Index vượt 1.000 điểm và thị trường có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co mạnh.

Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Nội, có thể thấy là thanh khoản đã có sự suy giảm dần trong 3 phiên cuối tuần và đây là dấu hiệu không ủng hộ đà tăng vượt 1.000 điểm của VN-Index.

“Có lẽ sẽ cần những nhịp điều chỉnh để trao đổi kỳ vọng giữa các nhà đầu tư để chỉ số VN-Index có thể thực sự bứt phá qua ngưỡng 1.000 điểm. Dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (26-30/8), VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co nếu như chỉ số có những nhịp test lại kháng cự tâm lý mạnh quanh 1.000 điểm,” nhóm chuyên gia tới từ SHS nhận định.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định, tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến giằng trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 975-980 điểm và cận trên 1000 -1005 điểm. Thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục trở lại về cuối tuần.

Trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ như hiện tại, biến động của thị trường thế giới cùng hoạt động của khối ngoại sẽ là các yếu tố tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong tuần tới. Các dòng cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục