"Chiếm Phố Wall" từ đường phố lan sang bến cảng

Khoảng 3.000 người đã tụ tập tại cảng Oakland, bang California vào đầu giờ tối 2/11, làm gián đoạn hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại đây.
Phong trào "Chiếm Phố Wall" ở Mỹ vẫn đang lan rộng không chỉ về số lượng, quy mô mà đã bắt đầu chuyển sang hình thức đấu tranh mới, vượt ra ngoài khuôn khổ các cuộc tuần hành hay dựng trại phản đối giới chủ trong ngành tài chính Mỹ.

Ngày 2/11, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về cảng Oakland ở bang California - một trong những cảng bận rộn nhất ở Mỹ, làm gián đoạn hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại đây.

Cảnh sát ước tính khoảng 3.000 người đã tụ tập tại cảng Oakland vào đầu giờ tối.

Một số người biểu tình đã tuần hành từ khu trung tâm thương mại của thành phố, trong khi những người khác đi xe buýt đến cảng. Các nhà tổ chức tuần hành cho biết, họ muốn ngăn chặn luồng vốn chảy ra bên ngoài.

Cảng Oakland là cảng lớn thứ 5 của Mỹ và chủ yếu xuất hàng hóa sang châu Á, bao gồm rượu vang, gạo, trái cây và các loại hạt, trong khi nhập về các thiết bị điện tử, máy móc và thiết bị sản xuất (chủ yếu từ châu Á như ôtô và các linh kiện của Toyota, Honda, Nissan và Hyundai).

Những người biểu tình, chính quyền thành phố và các lãnh đạo doanh nghiệp tin tưởng cuộc biểu tình này sẽ diễn ra trong hòa bình. Hầu như không thấy cảnh sát xuất hiện. Giới chức thành phố cho biết các cuộc biểu tình diễn ra trật tự và không xảy ra vụ bắt bớ nào.

Trong khi đó, những người biểu tình ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles và nhiều thành phố khác cũng đã lên kế hoạch phối hợp hành động với phong trào "Chiếm Oakland."

Phong trào này trước đó đã kêu gọi tiến hành một cuộc "tổng tấn công" sau sự việc một cựu chiến binh trong chiến tranh Iraq bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát hồi tuần trước.

Tại New York, khoảng 100 cựu chiến binh Mỹ đã tuần hành trước Sở Giao dịch chứng khoán New York, bày tỏ sự tức giận vì không có việc làm.

Nhiều phụ huynh cùng con cái họ lập thành một "lữ đoàn trẻ em" gia nhập phong trào biểu tình "Chiếm Oakland" đòi thay đổi hệ thống vốn đang tạo ra sự bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội Mỹ hiện nay.

Tại nhiều thành phố nơi phong trào chống sự bất bình đẳng kinh tế đã lan rộng, những người biểu tình chuyển hướng mục tiêu sang các tập đoàn lớn. Gần chục người đã bị bắt giữ ở Philadelphia khi họ biểu tình ngồi trước trụ sở của hãng khổng lồ Comcast chuyên sản xuất và kinh doanh dây cáp.

Tại Boston, giới sinh viên và công nhân tổ chức biểu tình trước các trụ sở chi nhánh của ngân hàng Bank of America, Câu lạc bộ Harvard và tòa nhà Quốc hội bang để phản đối cuộc khủng hoảng nợ trong giới sinh viên ngày càng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục