Chiến lược phòng thủ trung hạn của Hàn Quốc có hiệu quả?

Trong bối cảnh diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới Mỹ-Trung và Nhật Bản đang tiến tới trở thành một cường quốc quân sự lớn, ít ai có thể bác bỏ quan điểm rằng Hàn Quốc cũng nên tăng năng lực phòng thủ.
Chiến lược phòng thủ trung hạn của Hàn Quốc có hiệu quả? ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel tại thị trấn Bet Hillel, miền bắc Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) đã đăng bài phân tích nhấn mạnh, hệ thống đánh chặn pháo tầm xa “Iron Dome” (Vòm sắt) phiên bản Hàn Quốc (để đối phó với pháo tầm xa và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên) và tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn (có thể bố trí máy bay chiến đấu cất cánh hạ cánh thẳng đứng như F-35B) là hai trong số một loạt dự án quan trọng thuộc “Kế hoạch phòng thủ quốc gia trung hạn 2021-2025” vừa được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND) chính thức công bố hôm 10/8.

Theo kế hoạch này, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc sẽ tăng bình quân 6,1% trong 5 năm tới, từ mức 50.200 tỷ won (42,28 tỷ USD) của năm 2020 lên mức 67.600 tỷ won (56,93 tỷ USD) vào năm 2025.

Nếu khoản ngân sách này được phân bổ theo đúng kế hoạch, tổng ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới của Hàn Quốc sẽ là 300.700 tỷ won (253,54 tỷ USD), trong đó khoảng 100.000 tỷ won (84,22 tỷ USD) sẽ được phân bổ để cải thiện sức mạnh phòng thủ, 200.000 tỷ won (168,44 tỷ USD) để điều hành nguồn lực chiến đấu (như tái cơ cấu các đơn vị quân đội).

Trong bối cảnh diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới Mỹ-Trung và quốc gia láng giềng Nhật Bản đang tiến tới trở thành một cường quốc quân sự lớn, ít ai có thể bác bỏ quan điểm rằng Hàn Quốc cũng nên tăng cường năng lực tự phòng thủ.

Tuy nhiên, do liên quan đến tiền đóng thuế của người dân, việc tăng cường ngân sách để nâng cấp vũ khí cần phải gắn với những kết quả thực tế đồng thời cũng phải tính đến bối cảnh đặc biệt của mối quan hệ liên Triều.

Có một nguy cơ rất thực tế là việc gia tăng chi tiêu quốc phòng sẽ làm nảy sinh xung đột khi nó đi ngược lại các mục tiêu chính đề ra là thiết lập cơ chế hòa bình và tiến hành phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tính hiệu quả của “Iron Dome” do Israel phát triển

Được phát triển đầu tiên ở Israel, “Iron Dome” là một hệ thống được thiết kế nhằm đánh chặn các loại tên lửa và pháo tầm xa của lực lượng tương tự Hezbollah. Nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống này trước hàng trăm quả đạn pháo/phút mà lực lượng pháo binh tầm xa Triều Tiên bố trí ở khu vực biên giới hai miền.

Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), biệt danh “Chiến tranh giữa các vì sao,” là một kế hoạch được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố vào năm 1983 nhằm đánh chặn tên lửa hạt nhân của Liên Xô từ bên ngoài bầu khí quyển.

[Hàn Quốc phát triển hệ thống đánh chặn giống Vòm Sắt của Israel]

Đây cũng được coi là “kế hoạch quân sự tốn kém nhất và phi thực tế nhất trong lịch sử nhân loại.”

Bên cạnh đó, hiện cũng có những câu hỏi đặt ra về tính khả thi của “Iron Dome” trong nhiệm vụ “bảo vệ Seoul” có còn thực sự cần thiết trong bối cảnh đang có kế hoạch di chuyển thủ đô đến thành phố hành chính Sejong hay không.

Theo The Hankyoreh, điều quan trọng hơn ở đây là việc giới thiệu “Iron Dome” như một kế hoạch chủ đạo cho thấy một sự thay đổi nhỏ trong các mục tiêu chiến lược của chính quyền đương nhiệm.

Trong “Kế hoạch B” thuộc Chương trình “Cải cách Quốc phòng 2.0” được MND đệ trình lên Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) hồi tháng 12/2018, mục tiêu chiến lược đã được sửa đổi từ “ứng phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên” thành “ứng phó với các mối đe dọa tầm xa đa hướng.”

Tuy nhiên, kế hoạch phòng thủ trung hạn mới nhất của quân đội Hàn Quốc lại một lần nữa coi việc “ứng phó với các mối đe dọa tầm ngắn từ Triều Tiên” là “mục tiêu chính.”

Một điều chắc chắn là quan hệ giữa hai miền Triều Tiên hiện nay đã rất khác so với năm 2018. Tuy nhiên, nếu sự lạnh nhạt hiện tại giữa hai miền đủ đảm bảo việc phân bổ khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ để xây dựng “Iron Dome,” điều này lại đặt ra câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in có kế hoạch xáo trộn tiến trình giải giáp vũ khí liên Triều trong danh sách ưu tiên của mình hay không?

Một kế hoạch phòng thủ trung hạn đơn giản vẫn chỉ là một kế hoạch và nó không nhất thiết dẫn đến việc chi tiêu ngay lập tức. Tuy nhiên, dường như MND sẽ sử dụng kế hoạch (đã được tổng thống phê duyệt) gây áp lực với Bộ Kinh tế và Tài chính để sớm có được nguồn kinh phí này và với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra (năm 2022), không chỉ đảng cầm quyền mà cả phe đối lập cũng đều không muốn “keo kiệt” về chi tiêu quốc phòng.

Nỗ lực chứng minh không “yếu kém” về an ninh

Thật vậy, số liệu thống kê cho thấy chi tiêu quốc phòng dưới thời các chính quyền cấp tiến đã tăng nhiều hơn so với các chính quyền bảo thủ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, chi tiêu quốc phòng tăng bình quân 8,9%/năm trong khi tỷ lệ tương ứng trong các nhiệm kỳ tổng thống của Lee Myung-bak và Park Geun-hye lần lượt là 6,1% và 4,1%.

Trong ba năm đầu của nhiệm kỳ, chính quyền Moon Jae-in duy trì tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng vào khoảng 7,5% (cũng cao hơn so với hai chính quyền tiền nhiệm).

Cách tiếp cận này dường như bắt nguồn từ những sự việc tương tự kéo dài trong nhiều năm với ý tưởng là, phản ứng trước sự công kích từ phe bảo thủ - cho rằng những người cấp tiến “yếu kém về an ninh” - là cách duy nhất để giành chiến thắng trong bầu cử.

Ngay cả khi thời thế đã thay đổi, các chính quyền cấp tiến vẫn bị cản trở bởi ý tưởng ám ảnh rằng những người bảo thủ phải có lợi thế khi nói đến an ninh. Đây là lý do tại sao cựu Thủ tướng Lee Nak-yeon, Tham mưu trưởng Noh Young-min và Chủ tịch Ủy ban chính sách của đảng Dân chủ cầm quyền Cho Jeong-sik từng tự hào tuyên bố “chi tiêu quốc phòng đã tăng dưới thời chính quyền Moon Jae-in.”

Chính “nhờ” những rạn nứt này mà chúng ta có những dự án đi ngược lại mục tiêu chiến lược và không chắc chắn về hiệu quả.

Lý do Mỹ trì hoãn chuyển giao OPCON

Việc chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON), vốn được cho là sẽ hoàn thành dưới thời chính quyền Moon Jae-in giờ đây có vẻ sẽ bị hoãn lại. Mỹ đã và đang cho thấy sự chần chừ với lý do cần phải “kiểm tra các điều kiện cần thiết” cho việc chuyển giao OPCON.

Mười lăm năm đã trôi qua kể từ khi vấn đề chuyển giao OPCON được chính quyền Roh Moo-hyun chính thức đề cập. Vào thời điểm đó, Mỹ ca ngợi khả năng của quân đội Hàn Quốc và nhấn mạnh “sẽ chuyển giao OPCON cho quân đội Hàn Quốc vào năm 2009.”

Rất khó để hiểu tại sao Mỹ phải đợi đến bây giờ mới công bố kế hoạch “kiểm tra kỹ lưỡng.” Những phân tích phổ biến nhất hiện nay đều cho rằng lý do trì hoãn của Washington có liên quan đến cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong mọi trường hợp, việc giới thiệu hệ thống "Iron Dome" như một kế hoạch phòng thủ chủ chốt hoàn toàn không liên quan đến vấn đề OPCON. Sở hữu OPCON sẽ giúp Hàn Quốc ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh - ý tưởng về việc xác định các mục tiêu quốc phòng của chính Hàn Quốc và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp.

Khi đã quen với một hệ thống thụ động, Hàn Quốc sẽ rất khó đưa ra những đánh giá sáng tạo về hệ thống vũ khí nào phù hợp trong trung và dài hạn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao ở Hàn Quốc xuất hiện những thứ như “Iron Dome” - một trong những dự án bị nghi ngờ về cả mục tiêu chiến lược và hiệu quả nhưng lại luôn là điểm nhấn trong các kế hoạch phòng thủ của Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục