Chiến lược sống còn của các quốc đảo Thái Bình Dương

Những lời kêu gọi của chính các quốc gia Thái Bình Dương về vấn đề “thực sự” và cấp bách là biến đổi khí hậu, đã không nhận nhiều sự quan tâm.
Chiến lược sống còn của các quốc đảo Thái Bình Dương ảnh 1Bão nhiệt đới tàn phá đảo quốc Vanuatu. (Nguồn: Reuters)

Những nỗ lực không thành công gần đây của Trung Quốc nhằm ký kết một hiệp ước hợp tác toàn diện với 10 quốc đảo Thái Bình Dương và thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, được ký kết vào tháng 4/2022 đã thu hút sự chú ý của giới chính trị quốc tế và truyền thông.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi của chính các quốc gia Thái Bình Dương về vấn đề “thực sự” và cấp bách là biến đổi khí hậu, đã không nhận nhiều sự quan tâm.

Bài phân tích của Tiến sỹ Anne-Marie Schleich, nguyên Tổng lãnh sự tại Australia, Đại sứ Đức tại New Zealand và bảy quốc đảo Thái Bình Dương, đăng trên trang mạng International Affairs ngày 10/8 phân tích như sau:

Hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu như khả năng dễ bị tổn thương cao trước mực nước biển dâng, hạn hán kéo dài hơn đe dọa cuộc sống và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

[ESA: Nguy cơ từ biến đổi khí hậu đáng lo hơn khủng hoảng năng lượng]

Sự tập trung của quốc tế vào cuộc giằng co chiến lược ngày càng gia tăng ở Tây Nam Thái Bình Dương giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Australia, New Zealand và Mỹ, dường như có thể là “một cơ hội vàng” để các quốc đảo Thái Bình Dương đưa ra sự cấp thiết về mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

Tại nhiều cuộc họp trước đây của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), các nước thành viên đã nêu chủ đề biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất và các đảo Thái Bình Dương phải đối mặt sự phản kháng mạnh mẽ của Chính phủ Australia trước đây.

Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama, đã viết trên Twitter sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Penny Wong vào tháng 6/2022 như sau: “Mối quan tâm chính của chúng tôi (các đảo Thái Bình Dương) không phải là địa chính trị, mà là biến đổi khí hậu.”

Với tư cách là chủ trì Cuộc họp các nhà lãnh đạo PIF lần thứ 51, Thủ tướng Bainimarama cũng khuyến khích đối tác PIF, tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese “hãy hành động nhiều hơn vì tương lai của gia đình Thái Bình Dương bằng cách điều chỉnh cam kết của Australia với mục tiêu 1,5 độ C.”

Đó là một tín hiệu rõ ràng về việc các quốc đảo Thái Bình Dương cho rằng các mục tiêu khí hậu mới của Chính phủ Australia là chưa đủ.

Chính phủ Australia trước đây, với chính sách khí hậu trong nước và quốc tế không tham vọng và tiếp tục phụ thuộc vào than, dầu và khí đốt, không được coi là một đối tác đáng tin cậy liên quan đến những lo ngại về biến đổi khí hậu của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Các lãnh đạo Thái Bình Dương lần đầu tiên đưa mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia Đảo Thái Bình Dương trên trường quốc tế.

Năm 2012, Thủ tướng Kiribati Anote Tong khi đó là nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc với lời khẩn cầu đầy xúc động về biến đổi khí hậu và nhân quyền.

Các chính trị gia nổi bật khác đề cập đến vấn đề khí hậu là Tổng thống Tommy Remengesau của Palau, Tổng thống tiền nhiệm Dr Hilda Heine và cố Bộ trưởng Ngoại giao Tony de Brum của Quần đảo Marshall, cựu Thủ tướng Enele Sopoaga của Tuvalu và Thủ tướng Frank Bainimarama của Fiji.

Trong hành trình tìm kiếm công lý khí hậu toàn cầu, các chính trị gia này đã trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ cho hành động biến đổi khí hậu.

Vanuatu là một ví dụ khác về một quốc đảo Thái Bình Dương đưa chủ đề về khí hậu và nhân quyền vào chương trình nghị sự quốc tế.

Vào năm 2019, các sinh viên Vanuatu đã bắt đầu một chiến dịch - sau đó đã được Chính phủ Vanuatu thực hiện - để Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn về nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong việc bảo vệ con người khỏi tác hại của khí hậu.

Tất cả các nhà lãnh đạo PIF trong cuộc họp vừa qua đã tán thành đề nghị của Vanuatu.

Vào tháng 9/2022, Vanuatu sẽ đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi nước này sẽ cần đa số các nước thành viên Liên hợp quốc ủng hộ. Nếu thành công, sáng kiến của Vanuatu có thể có ảnh hưởng quốc tế lớn.

Các thành viên PIF cũng lên tiếng tại các diễn đàn toàn cầu như Hội đồng Bảo an, Hội nghị Biến đổi Khí hậu năm 2021 ở Glasgow và tại “Hội nghị thượng đỉnh Một đại dương” năm 2022 ở Brest, Pháp.

Các thành viên PIF tiếp tục yêu cầu đơn giản hóa việc tiếp cận tài chính giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Các quốc đảo Thái Bình Dương cũng là động lực chính của Liên minh Tham vọng cao (HAC) tại Hội nghị cấp cao các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 (COP21) ở Paris, có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của COP21 tại Paris.

Việc Fiji chủ trì COP23 tại Bonn vào năm 2017 với sự hỗ trợ của đối tác khí hậu Đức là một điểm nhấn trong sự tham gia về khí hậu toàn cầu của một quốc gia Thái Bình Dương.

Vào tháng 9/2021, PIF hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Vương quốc Anh để tổ chức sự kiện “Talanoa” (đối thoại toàn diện, có sự tham gia ở Thái Bình Dương) về Hiệu quả Tài chính Khí hậu ở Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, các thành viên PIF kêu gọi các nước phát triển đặt ra các mục tiêu phát thải tham vọng hơn cho hội nghị Glasgow.

Ông Guterres ca ngợi tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ của Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu.

Hầu hết các quốc gia Thái Bình Dương cũng là thành viên của Liên minh các Quốc đảo nhỏ (AOSIS) được thành lập vào năm 1990, nhóm vận động hành lang trong Liên hợp quốc cho 37 (+7) quốc gia thành viên và các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS).

Đối với các thành viên, khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu được thể hiện trong tài liệu “Các phương thức hành động được thúc đẩy bởi các quốc gia phát triển đảo nhỏ” của hội nghị SIDS lần thứ ba tại Samoa vào năm 2014.

Mặc dù AOSIS ban đầu thiếu ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, nhưng AOSIS đã nổi lên như một nhóm vận động hành lang khí hậu quan trọng nhất của Liên hợp quốc cho các quốc đảo.

Các quốc gia AOSIS đã thành công trong việc đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của mình vào năm 2015.

Tuy nhiên, một dự thảo nghị quyết của UNSC coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế” đã không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào tháng 12/2021 vì Ấn Độ bỏ phiếu chống và Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích chiến lược đối với một khu vực Thái Bình Dương ổn định và hòa bình. Các quốc gia Thái Bình Dương nhìn chung chia sẻ lợi ích chung và các giá trị chung của EU tại các diễn đàn đa phương.

EU là những đối tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm, EU đã hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong nỗ lực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua một số dự án khu vực.

Một ví dụ điển hình là dự án Thích ứng với Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Bền vững (ACSE) trị giá 36 triệu euro (37,1 triệu USD), kết thúc vào năm 2021.

Đức cũng đã hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong nỗ lực đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Vào năm 2018, Đức - cùng với quốc đảo Thái Bình Dương Nauru - đã đồng khởi xướng “Nhóm Những người bạn về Khí hậu và An ninh” hiện có hơn 40 thành viên.

Tiếp nối sáng kiến đó, “Hội nghị về Khí hậu và An ninh” tại Berlin đã được Bộ trưởng Ngoại giao Đức và Tổng thống Nauru khai mạc vào tháng 6/2019.

Đức cũng hỗ trợ Quần đảo Marshall với sự giúp đỡ về tổ chức và tài chính khi Thủ tướng của Quần đảo Marshall, Tiến sỹ Hilda Heine triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ảo” của Diễn đàn Khí hậu dễ bị tổn thương nhất (CVF2) vào năm 2018 trước COP24.

Trong thập kỷ qua, các quốc đảo Thái Bình Dương đã thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khí hậu trong khu vực và trong các tổ chức của Liên hợp quốc.

Các quốc đảo Thái Bình Dương đã vượt qua một số chia rẽ nội bộ trong khu vực, hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng như Đức và Anh, hoặc hợp tác với các tổ chức EU hoặc Liên hợp quốc như AOSIS.

“Ngoại giao Thái Bình Dương mới” thực dụng này đã củng cố tiếng nói khí hậu của các quốc đảo Thái Bình Dương trong các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc. Cuộc chiến giằng co địa chính trị hiện nay tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương thúc đẩy vấn đề cấp bách nhất của họ - tình trạng khẩn cấp về khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục