''Chìm nổi'' phim Việt về đề tài chiến tranh và người lính

Trong nhiều tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh, thân phận người lính, số phận của chính những người bước qua cuộc chiến chưa được các nhà làm phim đề cập thỏa đáng.
Hiện nay, phim về đề tài chiến tranh, người lính vẫn có số lượng ít. (Ảnh: CGV)
Hiện nay, phim về đề tài chiến tranh, người lính vẫn có số lượng ít. (Ảnh: CGV)

Sau nhiều dấu ấn đặc biệt trong thập niên 1970s, 1980s, điện ảnh Việt Nam dần vắng bóng những tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính có thể thu hút cũng như níu giữ chân khán giả.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự vào cuộc của đội ngũ làm phim trẻ với góc tiếp cận, cách kể chuyện mới mẻ đã cho thấy sự khởi sắc của dòng phim này. Điều đó thể hiện rõ qua những bộ phim khiến người xem (thuộc nhiều thế hệ khác nhau) cảm thấy thực sự xúc động như “Người trở về,” “Những người viết huyền thoại” hay “Truyền thuyết về Quán Tiên”

Bài 1: Phim Việt đề tài chiến tranh: Một thời “oai hùng” đã lùi xa

Từ vị trí “chủ lưu,” phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính mất dần vị thế, trở thành dòng phim lạc thời, “cúng cụ,” được sản xuất nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền, chỉ trình chiếu trong những dịp lễ, ngày kỷ niệm rồi “cất kho.”

“Khoảng trống” phim lịch sử

Theo đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh, phim chiến tranh từng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam với những dấu ấn không thể lãng quên như “Chị Tư Hậu” (1962), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979), “Biệt động Sài Gòn” (1986)…

''Chìm nổi'' phim Việt về đề tài chiến tranh và người lính ảnh 1Bộ phim được coi là bản hùng ca của thời khói lửa. (Ảnh tư liệu VFS)

Đến cuối thập niên 1990s, dòng phim này vẫn còn nhiều tác phẩm ấn tượng như “Ngã ba Đồng Lộc” (1997), “Đời cát” (1999)…

[Tiềm năng, cơ hội cho các nhà làm phim nước ngoài tại Việt Nam]

Tuy nhiên, sau đó, dòng phim này có sự sụt giảm đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Vào tháng 9/2014, số liệu thống kê của một số đơn vị chiếu phim đã khiến dư luận “giật mình.” Trong hai tuần trình chiếu thương mại tại Rạp Kim Đồng (Hà Nội), bộ phim “Sống cùng lịch sử” (được Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với mức đầu tư khoảng 21 tỷ đồng) không bán được vé nào!

Trước đó, khi chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), “Sống cùng lịch sử” cũng chỉ trụ rạp được 5 ngày bởi mỗi suất chiếu chỉ bán được khoảng 10 vé.

Không chỉ “Sống cùng lịch sử,” nhiều bộ phim chiến tranh khác (như “Ký ức Điện Biên,” “Mùi cỏ cháy”…) cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Đó là một thực tế rất đáng buồn và đáng bàn của điện ảnh Việt Nam,” nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh bày tỏ.

Vị đạo diễn gạo cội này cho rằng, nhắc đến lịch sử Việt Nam không thể không nhắc tới những cuộc trường chinh của cả dân tộc. Đó là những ký ức bi hùng mà thế hệ sau không được phép lãng quên.

“Nhắc lại quá khứ không phải để ‘khoét sâu’ thêm nỗi đau mà để trân trọng hơn giá trị của hòa bình trong thực tại, những hy sinh, máu, nước mắt của thế hệ cha anh,” ông nói.

Hơn nữa, trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, vun đắp niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, người lính có tác động rất lớn. Tuy nhiên, việc vận động theo quy trình ngược (trong điều kiện vật chất tốt hơn, chất lượng những bộ phim về đề tài này lại sụt giảm) đã tạo ra một “khoảng trống” lớn. Điện ảnh Việt thiếu những bộ phim xứng tầm với truyền thống lịch sử.

Đạo diễn Thái Huyền gọi đó là “món nợ” lịch sử mà những người làm phim hiện nay và những thế hệ tiếp sau phải trả dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí bị “ném đá” dữ dội khi làm không tới hoặc làm khác đi.

''Chìm nổi'' phim Việt về đề tài chiến tranh và người lính ảnh 2"Người trở về" có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Trương Minh Quốc Thái (trái). (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Chúng ta không thể lấy lý do ‘phục vụ mục đích tuyên truyền’ để biện minh cho việc làm cho xong, cốt để có sản phẩm báo cáo rồi mang ‘cất kho,’ đến dịp lễ lạt, kỷ niệm mới mang ra chiếu và coi đó là đang tuyên truyền. Đã là mục đích tuyên truyền thì phải làm sao để tác phẩm khiến người xem xúc động, nhớ đến, có những cảm nhận sâu sắc về bối cảnh, số phận nhân vật, câu chuyện… trong đó, từ đó có những suy nghĩ, nhận thức mới. Có như vậy, mục đích tuyên truyền mới đạt hiệu quả cao. Tuyên truyền không chỉ là làm ra một bộ phim kể lại diễn biến một chiến dịch, một sự kiện nào đó,” đạo diễn Thái Huyền bày tỏ.

Không thể cứ “sống mòn”

Nhiều nhà phê bình điện ảnh và chính giới làm phim cho rằng có không ít nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính không thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiện nay.

Nguyên nhân quan trọng hàng đầu được nhiều người chỉ ra là cách xây dựng phim một chiều, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được minh họa một cách máy móc. Từ đó dẫn đến chuyện phim khô khan, những bài học trở nên khiên cưỡng, cứng nhắc. Trong khi đó, nhân vật mờ nhạt, không có số phận rõ ràng, tính cách đơn điệu. Nói khác đi, thân phận người lính, số phận của chính những người tham gia cuộc chiến và những “góc khuất,” yếu tố thuộc về bản năng con người chưa được đề cập thỏa đáng.

“Trước đây, khán giả ùn ùn kéo tới rạp xem ‘Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,’ ‘Cánh đồng hoang,’ ‘Em bé Hà Nội’… không chỉ bởi thời đó có ít phương tiện giải trí, người xem ít sự lựa chọn hơn bây giờ. Quan trọng, đó là những bộ phim thực sự hay, ấn tượng, gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Màu sắc sử thi, anh hùng ca trong phim phù hợp với bối cảnh thời cuộc khi đó,” đạo diễn Đặng Nhật Minh phân tích.

Tuy nhiên, nếu sau 4-5 thập kỷ, các nhà làm phim vẫn giữ nguyên cách làm phim như vậy thì sẽ không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện đại.

''Chìm nổi'' phim Việt về đề tài chiến tranh và người lính ảnh 3Hiện thực khốc liệt của chiến tranh được tái hiện trong "Những người viết huyền thoại." (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) được giới chuyên môn và khán giả đánh giá khá tốt xét trên mặt bằng chung của phim về chiến tranh hiện nay. Phim là câu chuyện bi tráng về số phận những người đi tiên phong xây dựng đường ống dẫn xăng dầu chạy từ biên giới phía Bắc đến miền Đông Nam Bộ (trong thời gian từ năm 1968-1975) dài hơn 5.000km và hệ thống khoảng 100 kho chứa dưới “mưa bom bão đạn.”

Tuy đề tài mang nặng tính “tuyên truyền” nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và êkíp làm phim vẫn khiến người xem xúc động bởi hiện thực chiến tranh được miêu tả chân thực. Ở đó vừa có sự dữ dội của cảnh bom rơi đạn nổ, vừa có sự ấm áp của tình người, tình đồng đội và sự lãng mạn của tình yêu lứa đôi trong cuộc chiến tranh. Cốt truyện liền mạch, nhịp phim dứt khoát, tránh được những phân đoạn lê thê minh họa khuôn sáo.

Dẫu vậy, “Những người viết huyền thoại” vẫn còn những “điểm trừ,” chưa thoát được “đường ray” của những bộ phim tuyên truyền. Đơn cử như câu chuyện tình yêu của người lính tên Nghĩa và cô văn công đã bị “kịch hóa” để minh họa cho chủ nghĩa anh hùng ca.

Cụ thể, trong một phân cảnh, đạo diễn để cho hai nhân vật đứng nhìn cảnh bom rơi đạn nổ ác liệt trước mắt mà không có bất cứ biểu hiện lo lắng, suy tính nào. Đành rằng, thông qua chi tiết đó, đạo diễn muốn khắc họa tinh thần quả cảm của những người lính nhưng cách dàn dựng như vậy khiến chi tiết trở nên sáo mòn, khiên cưỡng. Khi đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết, từ góc độ bản năng, con người sẽ không tránh được những phút giây âu lo, ánh mắt hoảng sợ…

“Để có được một bộ phim về chiến tranh cần nhiều yếu tố từ việc đầu tư kinh phí đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên… có nghề. Tuy nhiên, khi thời cuộc đã khác, đối tượng khán giả cũng khác thì các nhà làm phim cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và dàn dựng, không thể ‘bê’ nguyên cách làm của thế hệ trước áp dụng vào thực tại. Quá khứ, lịch sử là chất liệu cần được khai thác chân thực, đa chiều và thể hiện bằng những thủ pháp, kỹ thuật hiện đại,” nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ./.

Trailer phim "Người trở về":

 Bài 2: Cách nhìn lại lịch sử của người trẻ: Có chạm được trái tim khán giả?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục