Người xin tị nạn ở Áo được yêu cầu làm việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng trong quá trình xử lý hồ sơ xin tị nạn.
Các trường hợp không hợp tác sẽ không nhận được các điều kiện chăm sóc cơ bản ở nước này.
Đây là một trong những nội dung đang được Chính phủ Áo nghiên cứu áp dụng phù hợp với quy định chung của Liên minh châu Âu (EU), trong nỗ lực siết chặt điều kiện xin tị nạn nhằm giảm số người đến Áo.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Áo đã thắt chặt đáng kể các chính sách về người tị nạn trong gần một năm qua, bao gồm đẩy mạnh việc trục xuất các trường hợp không được chấp thuận, tiến hành thủ tục xin tị nạn nhanh chóng hơn, tăng cường bảo vệ biên giới với việc triển khai trên 300 máy bay không người lái và hợp tác chặt chẽ với các nước vùng Tây Balkan và Hungary.
[Số đơn xin tị nạn tại EU tăng 28% trong nửa đầu năm 2023]
Những nỗ lực này dẫn tới số trường hợp xin tị nạn ở Áo đã giảm 40% trong 8 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, để có thể giảm hơn nữa số đơn xin tị nạn, Chính phủ Áo cùng chính quyền các bang ở quốc gia Trung Âu trên 9 triệu dân này muốn thắt chặt hơn nữa chính sách.
Một trong số các yêu cầu đối với những người muốn xin tị nạn ở Áo là phải làm các công việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng trong quá trình xét duyệt hồ sơ thường kéo dài khá lâu.
Những người đứng đầu các đơn vị phụ trách vấn đề người tị nạn ở các bang và Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Áo Gerhard Karner đã nhất trí về kế hoạch này, theo đó Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự luật cho phù hợp về mặt pháp lý.
Kế hoạch trên được cho sẽ thắt chặt đáng kể các điều kiện xin tị nạn so với hiện nay. Cho tới nay, người xin tị nạn có thể làm các công việc phục vụ cộng đồng cho liên bang, các tiểu bang và địa phương và nhận lại một phần thù lao tối đa 110 euro/tháng nhưng chỉ trên cơ sở tự nguyện.
Điểm mới trong kế hoạch trên là các công việc phục vụ cộng đồng của người tị nạn sẽ mở rộng sang cả các tổ chức phi lợi nhuận và là nghĩa vụ phải thực hiện.
Theo giới chức phụ trách vấn đề người tị nạn ở các bang, người tị nạn cũng cần có trách nhiệm với nước tiếp nhận, ngoài ra công việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng sẽ giúp người xin tị nạn tiếp xúc thường xuyên với người dân bản địa, từ đó giúp cải thiện sự hòa nhập cũng như khả năng ngôn ngữ.
Tuy nhiên, một trong những điểm khó khi xây dựng luật trên là định ra mức độ mà những người xin tị nạn có thể bị xử phạt nếu họ từ chối công việc phục vụ cộng đồng, trong khi việc loại bỏ hoàn toàn các dịch vụ thiết yếu sẽ khó thực hiện do khuôn khổ luật pháp châu Âu.
Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 ở châu Âu, rất nhiều người xin tị nạn đã đến Áo, chủ yếu qua biên giới Hungary. Chính phủ Áo không muốn tái diễn tình trạng này.
Không giống như ở Áo, tại Đức cũng đã có ý kiến yêu cầu người xin tị nạn phải thực hiện các công việc cộng đồng, hợp tác nhiều hơn khi họ được hỗ trợ tài chính, song cho tới nay liên minh cầm quyền ở Đức vẫn bác bỏ lời kêu gọi này.
Thay vào đó, các chính trị gia trong Chính phủ Đức muốn đề ra các biện pháp rõ ràng hơn nhằm mục đích tạo điều kiện cho người đủ điều kiện có cơ hội ở lại Đức và những người có tay nghề được nhanh chóng tham gia thị trường lao động./.