Italy đưa ra gói biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn người nhập cư

Chính phủ Italy đã quyết định kéo dài thời gian giam giữ người di cư chờ hồi hương lên đến 18 tháng, từ mức 3 tháng hiện nay; và xây thêm các trung tâm giam giữ ở các khu vực cách ly.
Italy đưa ra gói biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn người nhập cư ảnh 1Người di cư tại Đảo Lampedusa, Italy ngày 14/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Chính phủ Italy sẽ thông qua các biện pháp để kéo dài thời gian người di cư có thể bị giam giữ và đảm bảo có thêm nhiều người không có quyền ở lại phải hồi hương.

Trong nỗ lực giành lại thế chủ động, Chính phủ Italy đã quyết định kéo dài thời gian giam giữ người di cư chờ hồi hương lên đến 18 tháng, từ mức 3 tháng hiện nay.

Các bộ trưởng cũng sẽ phê duyệt việc xây thêm các trung tâm giam giữ ở các khu vực cách ly.

Theo luật pháp Italy, những người di cư phải hồi hương có thể bị giam giữ, nếu họ không thể bị trục xuất ngay lập tức.

Các quan chức cho biết phần lớn người di cư tới Italy vì lý do kinh tế và do đó không đủ điều kiện để xin tị nạn. Tuy nhiên, Rome chỉ có thỏa thuận hồi hương với một số quốc gia có người di cư đến nước, và ngay cả khi có một thỏa thuận song phương, có thể mất vài tháng để đưa người di cư hồi hương.

Số liệu do Cơ quan Tư vấn OpenPolis cho thấy chỉ có 20% trong số những người được lệnh hồi hương rời khỏi Italy trong giai đoạn 2014-2020.

Những nỗ lực trước đây để giữ người di cư cũng hầu như đã thất bại, khi những người bị giam giữ liên tục trốn khỏi trung tâm và hướng đến các nước Bắc Âu giàu có hơn.

Hàng nghìn người di cư đi theo các tàu thuyền khởi hành từ bờ biển ở Bắc Phi đã đến đảo Lampedusa (Italy) gần đây, gây ra tình trạng khủng hoảng tiếp nhận người di cư và làm nóng trở lại cuộc tranh luận giữa các nước thành viên EU về vấn đề phân bổ người tị nạn.

Hội Chữ thập Đỏ Italy, đơn vị vận hành trung tâm tiếp nhận người di cư tại Lampedusa, cho biết tính đến ngày 17/9, cơ sở này có 1.500 người di cư tạm trú, gấp hơn 3 lần công suất phục vụ thông thường là 400 người.

Các hoạt động đưa người di cư tới đảo Sicily và các nơi khác không theo kịp làn sóng người di cư kéo đến.

Trong khi đó, nhiều tàu thuyền của các tổ chức phi chính phủ đang chở hàng trăm người di cư được cứu sau các chiến dịch cứu hộ ngoài biển đưa về các cảng lớn của Italy.

Hàng chục tàu nhỏ chở người di cư vẫn đang hướng tới đảo Lampedusa, đe dọa nghiêm trọng hệ thống quản lý người nhập cư của hòn đảo này.

Theo số liệu của Bộ Nộivụ Italy, từ đầu năm đến ngày 15/9 vừa qua, đã có khoảng 127.200 người di cư đến Italy bằng thuyền, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 66.200 người).

[Số đơn xin tị nạn tại EU tăng 28% trong nửa đầu năm 2023]

Phát biểu tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong chuyến thị sát chung tới đảo Lampedusa, Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng các nước EU cần phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.

Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn.

Bà kêu gọi EU giúp ngăn chặn người di cư vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi và nếu cần thiết có thể triển khai hải quân để ngăn chặn các tàu thuyền của người di cư trái phép.

Để chia sẻ gánh nặng với Italy, ngày 16/9, Chính phủ Đức thông báo kế hoạch nối lại việc tiếp nhận người tị nạn từ Italy, chỉ vài ngày sau khi Berlin tạm đình chỉ hoạt động này.

Trước đó, Đức đã tạm đình chỉ quy trình tiếp nhận tự động người tị nạn do Italy không tuân thủ các thủ tục theo Hiệp ước Dublin của Liên minh châu Âu (EU), trong đó quy định người xin tị nạn phải nộp đăng ký tại quốc gia EU đầu tiên mà họ nhập cảnh.

Theo chương trình tự nguyện tiếp nhận người tị nạn nhằm thể hiện tình đoàn kết của EU, Đức cam kết tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ các quốc gia đặc biệt gặp khó khăn ở biên giới phía Nam châu Âu, trong đó có Italy.

Cho đến nay, khoảng 1.700 trường hợp (trong đó có trên 1.000 trường hợp từ Italy) đã được Đức tiếp nhận thông qua cái gọi là "cơ chế đoàn kết tự nguyện" của châu Âu để người di cư có thể hoàn tất thủ tục đăng ký tị nạn ở Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục