Ngày 27/4, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Chính phủ liên bang Đức sẽ không sớm thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Người phát ngôn Seibert cho biết cuộc thảo luận trực tuyến giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với thủ hiến các bang, theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này để đưa ra các biện pháp tiếp theo, sẽ được hoãn lại tới ngày 6/5.
Ông cho biết cuộc thảo luận dự kiến vào ngày 30/5 này sẽ chỉ là cuộc tham vấn trù bị quan trọng và những quyết định sẽ là rất hạn chế.
Theo người phát ngôn, việc tiến hành thảo luận các bước đi tiếp theo vào cuối tháng này là “quá sớm” để đánh giá một cách hiệu quả về những tác động của các biện pháp nới lỏng cho đến nay.
[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch]
Hiện có nhiều chính trị gia lên tiếng ủng hộ chủ trương tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế đang áp dụng. Thủ hiến bang Niedersachsen bày tỏ ủng hộ chủ trương chưa sớm nới lỏng thêm các hạn chế, trong khi Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer cũng cảnh báo về những nguy cơ khi thảo luận sớm về việc tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội trong bối cảnh số người nhiễm mới vẫn ở mức cao như hiện nay.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder thông báo, trong tuần tới, ông muốn đưa ra những quy định riêng của bang về việc nới lỏng hạn chế liên quan tới các nhà trẻ, trường học và viện dưỡng lão.
Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, ông Armin Laschet cũng phản đối chủ trương kéo dài những hạn chế, cảnh báo về những thiệt hại do việc kéo dài các biện pháp hiện nay.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở Đức ngày 27/4 lại tăng nhẹ. Chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1.785 ca dương tính, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đức lên 157.284 trường hợp. Số ca tử vong cho đến nay là 5.864 người, tăng 127 trường hợp so với một ngày trước. Trong khi số người khỏi bệnh hiện ở mức gần 115.000 người.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hệ số tái lây nhiễm ở Đức đã tăng từ 0,9 lên 1, có nghĩa một người bệnh lây nhiễm tương đương cho một người khác./.