Chính phủ Đức tạm dừng hồi hương người tị nạn Afghanistan

Chính phủ Đức đã quyết định sẽ không trục xuất người tị nạn Afghanistan về nước trừ phi họ phạm tội hình sự và là nghi phạm khủng bố.
Chính phủ Đức tạm dừng hồi hương người tị nạn Afghanistan ảnh 1Người tị nạn Afghanistan tại Đức. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Đức đã quyết định sẽ không trục xuất người tị nạn Afghanistan về nước trừ phi họ phạm tội hình sự và là nghi phạm khủng bố, động thái cho thấy một sự điều chỉnh của chính phủ trong vấn đề này xuất phát từ mối quan ngại về tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại quốc gia ở Tây Nam Á nói trên.

Theo hãng truyền thông RND của Đức, ngày 9/8, Văn phòng Đối ngoại và Bộ Nội vụ Đức đã nhất trí sẽ chỉ gửi trả người tị nạn về Afghanistan trong các trường hợp đặc biệt, bao gồm cả các cá nhân kiên quyết từ chối việc nhận dạng.

RND cũng xác nhận việc nới lỏng chính sách trục xuất công dân Afghanistan đã được triển khai một cách không chính thức, kể từ khi Đại sứ quán Đức tại thủ đô Kabul của Afghanistan trở thành mục tiêu của vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng vào tháng Năm vừa qua.

Việc hồi hương người tị nạn Afghanistan là một vấn đề gây tranh cãi tại Đức. Kể từ khi số người tị nạn vào Đức vượt 1 triệu người trong năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhập cư.

[Hàng nghìn tay súng Taliban trà trộn dòng người tị nạn vào Đức]

Một số chính trị gia đã kêu gọi nhà chức trách đẩy nhanh việc trục xuất sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại Đức, trong khi giới chức nước này lại ngày càng quan ngại về tình hình an ninh đang xấu đi tại Afghanistan.

RND nêu rõ khoảng 10.000 người tị nạn Afghanistan tại Đức đã bắt buộc phải rời đi vào ngày 30/6 vừa qua, ít hơn khoảng 5.000 người so với năm ngoái.

Thống kê của Chính phủ Đức vào tháng 4 vừa qua cho thấy hiện có khoảng 255.000 người Afghanistan đang sinh sống tại Đức.

Tình hình an ninh tại Afghanistan từ lâu đã trở nên bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và các tay súng Taliban, đặc biệt vào thời điểm mùa Hè. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hơn 26.500 thường dân tại quốc gia Tây Nam Á này đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do các cuộc xung đột vũ trang kể từ tháng 1/2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục