Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thứ ba trong ba tháng trong bối cảnh nội các của ông luôn bị thử thách bởi những biến động chính trị ở nước này.
Đêm 11/12, chính phủ của ông Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện với 379 phiếu thuận và 212 phiếu chống cùng 2 phiếu trắng và ở Thượng viện với 173 phiếu thuận và 127 phiếu chống.
Trước đó, chính phủ đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào đầu tháng 10 và cuối tháng 11 trước áp lực của các lực lượng do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu.
Nếu những cuộc bỏ phiếu này có kết quả bất lợi, chính phủ của Thủ tướng Letta sẽ sụp đổ và đẩy cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy lên một nấc thang mới với cuộc tổng tuyển cử thứ hai trong vòng một năm.
Kể từ khi được thành lập từ tháng Tư năm nay đến nay, chính phủ Italy luôn đứng trước nguy cơ sụp đổ do phe đa số quá mong manh và do các bất đồng nội bộ. Phiên bỏ phiếu tín nhiệm này được thực hiện sau khi đảng trung hữu Forza Italy của Berlusconi chuyển sang phe đối lập, khiến phe đa số càng trở nên yếu thế hơn trong Quốc hội.
Trong những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước, chính phủ chỉ trụ được nhờ sự hậu thuẫn của Đảng trung hữu mới (Ncd), Đảng đã tách ra từ phe trung hữu của Berlusconi tháng trước và do phó Thủ tướng Angelino Alfano, một cựu nghị sĩ từng trung thành với Berlusconi, làm thủ lĩnh. Theo đánh giá của báo chí Italy, Ncd sẽ lại ủng hộ chính phủ trong phiên bỏ phiếu này ở Thượng viện.
Chính trường Italy đã bất ổn nghiêm trọng trong năm nay. Chính phủ chỉ được thành lập vào tháng 4/2013, hai tháng sau khi cuộc tổng tuyển cử gần như bất phân thắng bại giữa đảng Dân chủ của Thủ tướng Letta, phe trung hữu của Berlusconi và Phong trào 5 sao trung dung.
Sau khi Berlusconi bị phế truất khỏi Thượng viện do bị kết án về tội gian lận thuế, chính phủ được cho là có khả năng đứng vững cao hơn.
Trong một bài phát biểu hôm 11/12, Thủ tướng Letta tuyên bố chính phủ của ông sẽ "chiến đấu đến cùng" để tiếp tục các kế hoạch mà chính phủ đã đề ra cho năm 2014 và xa hơn nữa. Ông hứa sẽ thúc đẩy việc thông qua luật bầu cử mới, tạo thêm việc làm và nền kinh tế đạt tăng trưởng GDP 2% vào năm 2015.
Hiện tại, Italy đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế dài nhất kể từ hai thập kỷ nay, với tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 12,% vào tháng Chín vừa qua, trong khi nợ công đã lên đến 133% GDP./.