Chính phủ Italy vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Chính phủ Italy đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, được tiến hành để đẩy nhanh việc thông qua dự luật kích thích tăng trưởng.
Ngày 24/7, với tỷ lệ 427 phiếu ủng hộ và 167 phiếu chống, Chính phủ của Thủ tướng Italy Enrico Letta đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, được tiến hành để đẩy nhanh việc thông qua dự luật kích thích tăng trưởng.

Phiên bỏ phiếu này được tiến hành nhằm chấm dứt những tranh cãi về 800 nội dung sửa đổi đề xuất đối với một dự luật liên quan gói biện pháp trên, bao gồm cả tài trợ cho các dự án tạo việc làm và giảm bớt tệ quan liêu, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông qua dự luật.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Letta đánh cược số phận chính phủ của mình trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 vừa qua.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống nước này Giorgio Napolitano cảnh báo tranh cãi giữa các đảng phái chính trị sẽ không dẫn đến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, mà sẽ đẩy Italy rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn. Cảnh báo trên của Tổng thống Napolitano được đưa ra trong bối cảnh gói biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trên vẫn gây chia rẽ ngay cả trong chính phủ liên minh tả-hữu của Thủ tướng Enrico Letta.

Theo Tổng thống Napolitano, với tư cách là tổng thống, ông có nghĩa vụ cảnh báo đất nước và các đảng phái chính trị về những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng do sự bất ổn và không chắc chắn trong hệ thống thế chế chính trị Italy gây ra. Ông nhấn mạnh rằng việc thường xuyên yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn là "một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất tại Italy."

Mặc dù chính phủ đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với gói biện pháp tăng trưởng, song sự ổn định của liên minh cầm quyền đang bị đe dọa thực sự do bất đồng sâu sắc về chính sách kinh tế và vấn đề pháp lý đối với cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, thủ lĩnh đảng trung hữu. Vào tuần tới, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với ông Berlusconi về tội trốn thuế và có thể tỷ phú truyền thông này sẽ bị cấm tham gia hoạt động chính trị.

Trong khi đó, nhiều thành viên trong đảng trung hữu đã lên tiếng kêu gọi tiến hàng tổng tuyển cử trước thời hạn. Do đó, nếu sự bất ổn trên chính trường Italy tiếp diễn, nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng ơrô này khó có thể sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế tồi tệ hiện nay với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 12%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 40,5%. Thâm hụt ngân sách hiện là 2,9%, xấp xỉ ngưỡng quy định của Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục