Chính phủ luôn nghiêm túc trong xử lý tham nhũng

Thủ tướng nêu rõ, những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Sáng 19/11, sau khi giải trình làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời thỏa đáng những ý kiến chất vấn của các vị đại biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội.

Thủ tướng đã trả lời chất vấn xung quanh các vấn đề tham nhũng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm, cải cách hành chính, chất lượng các trường đại học, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, hỗ trợ nông dân mua máy móc...

Chính phủ luôn nghiêm túc trong xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Trong đó, công tác xây dựng thể chế để ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng cũng tiếp tục được quan tâm, triển khai theo chương trình, kế hoạch đề ra gắn với làm tốt công tác kiểm tra giám sát có những chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện xử lý, kiểm tra, đôn đốc, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, góp phần răn đe, phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh trật tự và ổn định chính trị đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, tính minh bạch tại một số lĩnh vực như thuế, đầu tư, đất đai, chi tiêu công vẫn chưa cao... Do vậy cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp trong hoạt động phòng chống tham nhũng, trên cơ sở đúng pháp luật, đúng quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Lê Văn Cuông tiếp tục đặt vấn đề, những hạn chế trong phòng chống tham nhũng thời gian qua có phải liên quan đến hệ thống tổ chức Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh.

"Quy định Chủ tịch tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng có nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian đánh giá chưa nên kết luận vội vã. Như thế nào là đá bóng như thế nào là thổi còi có lẽ cần trao đổi thêm. Thông tin mà đại biểu nêu về Chủ tịch tỉnh Hà Giang chúng tôi sẽ xem xét", Thủ tướng đáp.

Liên quan tới vụ công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI-Nhật Bản), Thủ tướng cho biết, vừa qua cơ quan Nhật Bản xét xử quan chức PCI đưa hối lộ trong dự án đại lộ Đông Tây (Thành phố Hồ Chí Minh), liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Ngay sau khi có thông tin, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp tìm hiểu với phía bạn. Những gì phía Việt Nam phát hiện, có chứng cứ, đã khởi tố, truy tố. Đó là xét xử theo pháp luật Việt Nam với chứng cứ chúng ta có được.

Theo Thủ tướng, phía bạn trả lời là sẽ điều tra, sau khi có kết quả sẽ thông báo. Thái độ của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương là nghiêm túc nhưng phải khách quan theo đúng pháp luật, bằng chứng cứ, không để lọt tội nhưng cũng không để ai bị oan.

Đối với các vụ việc khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng cũng cho biết, 80% các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đất đai chưa hợp lý và chưa theo kịp thực tiễn của cuộc sống. Về vấn đề này, Chính phủ đã phân tích, kiểm điểm chỉ đạo xử lý theo đúng pháp luật và ban hành Nghị định phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.

Tập trung đầu tư phát triển bền vững

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về chương trình giảm nghèo, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo đã có, trong đó tập trung triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo ở 62 huyện.

Cùng với 62 huyện này, các tỉnh, thành chọn thêm một số huyện nghèo khác trên địa bàn, nhất là các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung để huy động mọi nguồn lực của địa phương đầu tư hỗ trợ các huyện này giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách và chương trình, dự án đã ban hành, phải khẩn trương sửa đổi bổ sung và nghiên cứu ban hành mới các cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2010, nhiều chính sách và chương trình, dự án giảm nghèo sẽ hết thời hạn (Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 134...), cần làm tốt công tác tổng kết, trên cơ sở đó ban hành các chính sách và chương trình, dự án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Liên quan tới công tác bảo về môi trường và phòng chống thiên tai, Thủ tướng nhấn mạnh, một vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay là tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tuy có giảm nhưng phá rừng vẫn còn nghiêm trọng. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, phải làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng.

Về việc phát triển thủy điện, Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tư phát triển thủy điện là cần thiết, đây là tiềm năng lớn của đất nước cần phát huy để đáp ứng yêu cầu điện cho đất nước nhưng phải đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời tham gia cắt lũ cho vùng hạ lưu và góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) liên quan đến việc triển khai Quyết định 479, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế đạt mục tiêu tổng hợp là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tạo nguồn lực tổng hợp thực hiện có kết quả mục tiêu đã đề ra trong năm 2009. Trong những chính sách đó, có một nội dung tổ chức thực hiện chưa tốt chưa phù hợp. Chính phủ đã nhìn nhận vấn đề này và tiếp tục hoàn thiện, đánh giá.

Về việc xây dựng quyết định 497 hỗ trợ nông dân mua máy móc sản xuất nông nghiêp mua vật liệu xây dựng, nhà ở, Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ chưa tính đến Quyết định này. Đến tháng 9, Quyết định mới triển khai, do vậy chính sách nay đi vào cuộc sống chưa được bao lâu, có quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong thực hiện, Thủ tướng đã yêu cầu đánh giá thực tiễn và sửa đổi bổ sung việc hỗ trợ cho nông dân mua sắm máy móc nông nghiệp để cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Bên cạnh việc sửa đổi bổ sung những điều cụ thể trong quyết định, Chính phủ giao cho Thống đốc Ngân hàng xây dựng Nghị định chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục