Chính quyền Mỹ tìm cách nâng cao hiệu quả kiểm soát vũ khí

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Trachtenberg cho biết Tổng thống Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông tìm thêm các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát vũ khí.
Chính quyền Mỹ tìm cách nâng cao hiệu quả kiểm soát vũ khí ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 15/5, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Trachtenberg cho biết Tổng thống Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông tìm thêm các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát vũ khí, trong đó có các hệ thống vũ khí mới hơn và các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga trong các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ diễn ra trong tương lai.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ông Trachtenberg nêu rõ Tổng thống Trump muốn kiểm soát vũ khí để đảm bảo an ninh thực sự cho người dân Mỹ và các đồng minh.

[Mỹ muốn đàm phán về kiểm soát vũ khí phải bao gồm cả Trung Quốc]

Do đó, Tổng thống đã giao nhiệm vụ cho các cố vấn an ninh quốc gia tìm kiếm thêm các giải pháp về vấn đề này, cả trên phương diện các quốc gia và các hệ thống vũ khí liên quan.

Điều này có thể bao gồm cả các hệ thống vũ khí chiến lược mới hơn của Nga nằm ngoài khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START mới), việc tìm cách khắc phục tình trạng mất cân bằng đáng kể các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược và việc khuyến khích Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực nâng cao tính minh bạch và hạn chế những tham vọng về vũ khí hạt nhân của nước này.

Trước đó 2 ngày, tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở thành phố Sochi của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp nước chủ nhà Nga đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán rộng rãi hơn nữa về hoạt động kiểm soát vũ khí, các vấn đề chiến lược và an ninh giữa 2 nước “trong những tuần tới.”

Hiệp ước START mới được Nga và Mỹ ký năm 2010, có hiệu lực đến năm 2021, quy định mỗi bên sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, tổng số vũ khí hạt nhân không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, máy bay ném bom hạng nặng, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.

Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Liên Xô trước đây vào năm 1987, chính quyền Mỹ cũng đang cân nhắc liệu có gia hạn START mới, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, hay không.

Ông Pompeo cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu nhóm cố vấn an ninh quốc gia xem xét lại một cách kỹ càng hơn vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó cần thực hiện công việc này đối với cả các nước và các hệ thống vũ khí nằm ngoài khuôn khổ truyền thống Mỹ-Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục