Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày càng 'hung hăng hơn'?

Chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực tiềm năng cũng như hợp tác đôi bên, song không kèm theo bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày càng 'hung hăng hơn'? ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng moderndiplomacy.eu, ở bất kỳ quốc gia nào, ba công cụ thiết yếu trong công tác điều hành đất nước đều là ngoại giao, tình báo và các lực lượng vũ trang.

Ấn Độ đã nỗ lực nâng cấp cả ba công cụ này bằng ý chí chính trị và các cơ chế triển khai hiệu quả.

Một câu hỏi lớn, được đặt ra từ lâu và được nhắc lại dưới thời chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, là liệu có một sự kế tục hay thay đổi nào về triển vọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ hay không.

Đã có nhiều ý kiến liên quan đến chính sách Không liên kết phiên bản 2.0 trong quá khứ, và đang có ý kiến cho rằng Ấn Độ nên duy trì chính sách tự chủ chiến lược này mà không gây tổn hại đến các lợi ích chiến lược cũng như các nguyên tắc cốt lõi trong chính sách ngoại giao.

Sự chuyển đổi trong triển vọng chính sách của Ấn Độ từ lâu đã có nhiều mối liên quan đến những đặc tính cụ thể của nước này.

Chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực tiềm năng cũng như hợp tác đôi bên, song không kèm theo bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.

Trong quá trình đánh giá những khía cạnh quan trọng trong triển vọng chính sách ngoại giao và chiến lược ngoại giao mà Ấn Độ thông qua, có thể dễ dàng nhận thấy những đề xuất chính sách như An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả các nước trong Khu vực (SAGAR), Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI), thúc đẩy kết nối (cả về vật lý và kỹ thuật số), cũng như phát triển thương mại và đầu tư với định hướng tập trung chủ yếu vào công cuộc khám phá các thị trường quốc tế đồng thời mở cửa thị trường Ấn Độ với những lợi ích đi kèm.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực châu Phi trong khuôn khổ Thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi (IAFS), cũng như các nước thuộc khu vực Caribe và Mỹ Latinh, nhóm Visegrad (gồm 4 nước Trung Âu là CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia) cùng các quốc đảo Thái Bình Dương đã phát triển với những phương diện mới. Ấn Độ được xem là một trạm trung chuyển lớn đối những luồng vốn đầu tư.

Ấn Độ cũng đang mở các văn phòng đại diện mới tại những nước ở khu vực nói trên nhằm tăng cường sự tiếp xúc và trao đổi của quan chức ngoại giao Ấn Độ với chính quyền sở tại.

Công nghệ được cho là một thành phần quan trọng trong chiến lược tương tác của Ấn Độ đối với nhiều cường quốc trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, nếu đánh giá chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong 5 năm gần đây, cũng như các tuyên bố chung và thỏa thuận, có thể thấy rõ rằng Ấn Độ đã ký nhiều thỏa thuận đa phương tập trung vào các vấn đề khủng bố, công nghệ, đào tạo, thương mại, đầu tư và du lịch với các nước lớn.

Bên cạnh đó, giới  chức cấp cao khi đến thăm Ấn Độ đều thừa nhận Ấn Độ đang từng bước trở thành một trung tâm tri thức của thế giới. Điều thú vị là việc đề cập đến vấn đề khủng bố cũng ngầm thừa nhận rằng Pakistan là "thủ phạm" lớn nhất gây ra các vụ khủng bố trên thế giới.

Trong lĩnh vực giáo dục và tri thức, Ấn Độ đang có những bước đại nhảy vọt thông qua các chương trình "Kỹ năng Ấn Độ" và "Ấn Độ số" mà chính phủ New Delhi đề ra.

Ấn Độ cũng đã ký nhiều thỏa thuận với các quốc gia khác liên quan các dự án xây dựng thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý rác thải, sử dụng năng lượng hiệu quả, xử lý nước thải, năng lượng tái tạo và lập kế hoạch phát triển đô thị.

Xét đến các hiệp định đối tác chiến lược được ký kết với hơn 33 quốc gia, Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh cách tiếp cận một cách có chọn lọc với việc gắn các cụm từ như "ưu tiên," "mong muốn" và "đặc biệt" đi trước cụm từ "đối tác chiến lược" khi nói về quan hệ với nhiều trong số 33 nước nói trên.

Điều thú vị trong đường hướng chính sách mới của Ấn Độ là New Delhi coi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iran là các đối tác chiến lược.

Mặc dù không có thỏa thuận đối tác chiến lược nào với Israel, song nước này đã trở thành một đối tác an ninh quan trọng đối với Ấn Độ.

Israel đã cung cấp thiết bị quân sự, thiết bị an ninh biên giới và các loại thiết bị khác giúp Ấn Độ giám sát khu vực biên giới của mình và phát hiện nguy cơ các thành phần khủng bố hoặc các lực lượng phá hoại khác có thể đào các đường hầm để xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ từ Pakistan.

Việc Ấn Độ triển khai những đường hướng chính sách đối ngoại quyết liệt nói trên kể từ thời chính quyền Thủ tướng Modi đã khiến Pakistan bị cô lập.

Bất kỳ cuộc đàm phán nào được cho là do Ấn Độ đề xuất với Pakistan nhằm đưa ra sáng kiến hòa đàm đều "tan thành mây khói."

Nói cách khác, có thể khẳng định rằng Ấn Độ đã đóng băng mối quan hệ tự nhiên của mình với Pakistan.

Trong khi đó, New Delhi áp dụng chính sách "nắm đấm thép bọc nhung" (một biện pháp ngoại giao mềm dẻo bên ngoài nhưng cứng rắn bên trong) với Trung Quốc, song luôn kèm theo thái độ đối đầu.

Có thể nhận thấy điều này trong các vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới như Depsang, Doklam hay thậm chí Hồ Pangong. Mặc dù các cuộc xung đột này đã lắng xuống, song chúng cho thấy Ấn Độ có thể phản kháng các chiến thuật của Trung Quốc.

Giờ đây, chiến lược Ấn Độ Dương của Ấn Độ trải dài từ Đông sang Tây của khu vực này.

Để triển khai tầm nhìn đối với chiến lược Ấn Độ Dương, New Delhi đã thông qua cách tiếp cận đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi đây là chiến lược bổ sung cho chiến lược Ấn Độ Dương.

Kết quả của việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương là New Delhi đã và đang hợp tác với các quốc gia duyên hải tại khu vực Ấn Độ Dương thông qua nhiều sáng kiến, trong đó có xây dựng năng lực, đào tạo nhân sự, xuất khẩu quốc phòng, viện trợ tập trung.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng cung cấp thêm nhiều vị trí nhân sự cho các nước ven biển này khi họ tham gia chương trình Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC).

New Delhi cũng tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao đến các nước nói trên.

Kết quả của quá trình hợp tác này là Ấn Độ đã phát triển được những mối quan hệ tốt đẹp hơn với nhiều nước khu vực Đông Phi và Đông Nam Á, cũng như xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững hơn với một số quốc đảo.

Là một phần trong chiến lược "một mũi tên trúng hai đích," Ấn Độ còn liên kết được với nhiều quốc đảo tại Ấn Độ Dương nhằm tạo ra một mạng lưới thông tin và an ninh ven biển vững chắc.

Ở góc độ mang tính cấu trúc, Ấn Độ đã có bước phát triển mới trong việc thiết lập một khuôn khổ mang tính thể chế.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thành lập những đơn vị mới như Vụ Công nghệ Chiến lược mới và đang nổi (NEST), Vụ châu Đại Dương, Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng một vụ riêng chuyên giải quyết những sự vụ về tranh chấp biên giới lãnh thổ.

Bên cạnh đó, cũng có những vụ khác được thiết lập nhằm hỗ trợ tài lực và vật lực cho các nước mà Ấn Độ triển khai chương trình Hỗ trợ Phát triển và Hoạch định (hiện có 3 vụ như vậy trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trước đó chỉ có một vụ).

Cơ chế tiếp cận của Ấn Độ thông qua Chính sách Hành động hướng Đông, chính sách hướng Tây Á và chính sách kết nối Trung Á đã phát triển hơn và hướng tới phát triển hợp tác ở những lĩnh vực khác với những quốc gia trong các khu vực này.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày càng 'hung hăng hơn'? ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ ngày 19/3/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Về mối quan hệ với Nga, Mỹ và các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản và Australia, Ấn Độ hoạch định chính sách theo hướng vừa hợp tác với các nước này vừa không quá phụ thuộc vào bất kỳ nước nào trong việc bảo vệ an ninh cho New Delhi. Gần đây, Ấn Độ cũng đã tạo ra nhiều "tiếng vang" với việc trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều này khẳng định rằng quốc gia với 1,3 tỷ dân này xứng đáng "có chân" trong cơ quan đầy quyền lực này của Liên hợp quốc để đem lại những kết quả tích cực cho các chương trình nghị sự mang tính dân chủ của Liên hợp quốc.

Các nhà nghiên cứu chiến lược đã nhiều lần khẳng định rằng Ấn Độ là một cường quốc có thái độ do dự khi thể hiện quan điểm "mập mờ" của mình đối với nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích quốc tế.

Tuy nhiên, giới chức ngoại giao Ấn Độ lại cho rằng nước này không nên nói ra bất kỳ điều gì và muốn hành động thay cho lời nói.

Ấn Độ sốt sắng và năng nổ tham gia các chiến dịch hồi hương công dân của mình ra khỏi Libya, Yemen và nhiều nước khác, mỗi khi xảy ra khủng hoảng hoặc nội chiến.

Ấn Độ cũng nghiên cứu khả năng hợp nhất Bộ Ngoại giao với Bộ Thương mại nhằm nắm bắt các cơ hội hiện hữu và giải quyết mối lo ngại liên quan đến tương tác chính trị và phát triển thương mại.

Tuy nhiên, Ấn Độ khó có thể triển khai ý tưởng hợp nhất này. Lý do là bản thân mỗi bộ nói trên đã rất cồng kềnh cùng với khối lượng công việc đồ sộ cần xử lý. Đó là chưa kể những bộ này còn phải giải trình những câu hỏi trước các buổi chất vấn quốc hội cũng như phải xử lý các vấn đề liên quan khác.

Kể từ cuối năm 2019, do tác động của đại dịch COVID-19, Ấn Độ vẫn tham gia các cuộc họp chính trị với hình thức trực tuyến và trực tiếp. Điều đó cho thấy COVID-19 không thể ngăn cản nỗ lực của New Delhi trong hành trình trở thành một cường quốc khu vực và một cường quốc châu Á.

Thủ tướng Modi đã thành công trong việc củng cố các mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước khác sau khi Ấn Độ đã nhiều lần góp phần đưa những vấn đề vốn bị bỏ ngỏ tại các cơ chế đàm phán cấp thấp ra thảo luận tại cơ chế cấp cao để hóa giải những vấn đề này.

Một trong vấn đề mà Pakistan không ngừng sử dụng để lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác là xung đột tại khu vực Kashmir.

Tuy nhiên, hiện nay Pakistan không thể nhắc lại vấn đề này, bởi Pakistan không nhận được sự ủng hộ từng có do đưa ra những luận điệu xuyên tạc.

Hơn nữa, chính Islamabad lại đang vướng mắc hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình liên quan mật thiết tới các cộng đồng dân tộc thiểu số và các cộng đồng tôn giáo khác.

Ấn Độ đã có quan điểm cụ thể về yêu cầu và nhu cầu của nước này trước khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc thậm chí cả các cơ chế Thương mại Tự do ASEAN.

Cách tiếp cận mới của Ấn Độ khi tham gia đối thoại Shangri-la cũng như khi tính toán lợi ích của mình trong các đối thoại giữa ASEAN và các đối tác như cơ chế ADMM+ cho thấy Ấn Độ quan tâm tham gia những cơ chế hợp tác đem lại lợi ích cho New Delhi.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng mang tính định hướng đem lại kết quả cụ thể. Ví dụ, với chính sách ngoại giao vaccine, Ấn Độ đang muốn trở thành một trung tâm cung cấp dược phẩm chủ chốt của thế giới.

Mặc dù Ấn Độ sẽ hoàn toàn giải quyết được vấn đề trách nhiệm xã hội mang tính toàn cầu trong hệ thống quốc tế, song New Delhi cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo quốc tế và các quốc gia liên quan đối với sáng kiến của mình.

Cuộc họp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ hồi đầu tháng đã thừa nhận sự cần thiết thúc đẩy ngành dược phẩm của Ấn Độ thông qua đầu tư và hỗ trợ tài chính.

Sự thành công trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã đem lại những kết quả tích cực, song cũng tồn tại nhiều thiếu sót.

Trong quá trình hợp tác với các nước, ban lãnh đạo Ấn Độ đã đưa ra quá nhiều tuyên bố, do đó khiến lãnh đạo các nước khác đặt nhiều kỳ vọng về khả năng New Delhi có thể hiện thực hóa những tuyên bố đó.

Ví dụ, đối với vấn đề viện trợ, hỗ trợ cũng như các Hạn mức Tín dụng (LoC), Ấn Độ cần xây dựng và sắp xếp các khoản tiền để có thể cung cấp các khoản viện trợ này theo đúng cam kết đưa ra.

Ngoài ra, chính mối quan hệ cá nhân của ông Modi với các lãnh đạo thế giới đã trao cho hệ thống chính quyền của Ấn Độ sức mạnh áp đảo. Do đó, trong trường hợp ông Modi rời nhiệm sở, khoảng trống quyền lực sẽ xuất hiện trong bộ máy chính quyền Ấn Độ.

Tầm nhìn về chính sách đối ngoại mang tính quyết liệt của Ấn Độ đã không ít lần vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế, cho rằng New Delhi có những cách tiếp cận theo đường lối cứng rắn trong nhiều trường hợp.

Ví dụ, cuộc không kích Balakot xảy ra vào ngày 26/2/2019 hoặc đợt tấn công bằng lựu đạn của phiến quân Uri (Pakistan) tại khu vực Janmu và Kashmir năm 2016 cho thấy mặc dù Ấn Độ đã xoa dịu được cộng đồng quốc tế, song vẫn còn nhiều thiếu sót trong cách tiếp cận của nước này đối với việc liên kết các nhóm lợi ích trong nước.

Trong đó, các vấn đề thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn Độ cần những thay đổi mang tính cấu trúc. Những thay đổi này chỉ có thể được đưa ra khi bộ máy lãnh đạo của Ấn Độ có thể nắm bắt được xu hướng thời cuộc.

Bên cạnh đó, việc chính phủ Ấn Độ chủ động can thiệp vào các hoạt động hợp tác thương mại cũng giúp đem lại nhiều thay đổi cho tiến trình cải cách đang diễn ra chậm chạp này.

New Delhi có thể tham khảo áp dụng mô hình hệ thống "một cửa" trong hoạt động thương mại quốc tế vốn được nhiều quốc gia châu Á áp dụng.

Đồng thời, Ấn Độ cần có cơ chế và chính sách thuận lợi liên quan hoạt động cấp phép của Bộ Môi trường Ấn Độ cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn xây dựng một nhà máy tại Ấn Độ.

Nhiều người cho rằng tầm nhìn chính sách đối ngoại của Ấn Độ mang tính quyết đoán hơn trong thời gian gần đây.

Cũng có những ý kiến lý giải rằng đường lối đối ngoại trước kia của New Delhi mang tính thận trọng đối với nhiều vấn đề là vì nước này lo ngại vấp phải sự phản ứng và chỉ trích của cộng đồng quốc tế và chính mối lo sợ này đã làm suy yếu động lực trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của nước này.

Tư duy này đã đẩy Ấn Độ vào liên minh với một số ít quốc gia vốn là những nước có quan điểm lập lờ hoặc là những cường quốc có thái độ dè dặt mặc dù họ có tiềm năng trỗi dậy trong khu vực và quốc tế.

Việc Ấn Độ chấp thuận tham gia Đối thoại An ninh Bộ Tứ cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia cho thấy tiềm năng và động lực to lớn để nước này thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Bộ Tứ.

Chính sách phát triển năng lực và công nghệ của Ấn Độ cũng như tham gia các dự án chung trong những lĩnh vực trọng yếu về công nghệ như vũ trụ và an ninh mạng cũng khẳng định rằng Ấn Độ đã có kế hoạch và lộ trình phát triển giai đoạn tiếp theo của chính sách ngoại giao và tầm nhìn chiến lược nhằm thúc đẩy vị thế của nước này.

Với cách tiếp cận chính sách theo định hướng đem lại kết quả cụ thể, tầm nhìn chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ hứa hẹn một tương lai cho quốc gia Nam Á này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục