'Chính sách đối ngoại của Việt Nam là nền tảng tăng hợp tác hữu nghị'

Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt và Hungary-Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại và đóng góp tích cực đã giúp nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
'Chính sách đối ngoại của Việt Nam là nền tảng tăng hợp tác hữu nghị' ảnh 1Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt Marcel Winter. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt Marcel Winter và Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam Botz László đều đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam bởi đây là nền tảng tăng cường hợp tác hữu nghị.

Hai ông đều khẳng định chính sách đối ngoại và đóng góp tích cực đã giúp nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt Marcel Winter nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những thành công ngoại giao lớn trên thế giới, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.

Việt Nam luôn hoạt động rất tích cực với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng rất thành công khi tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nơi có đội ngũ bác sỹ quân y của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả.

Ông Marcel Winter cho rằng uy tín của Việt Nam, đặc biệt là ở ASEAN, là kết quả của một nhiệm kỳ Chủ tịch hết sức thành công, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhất trí với nhận định này, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam, tiến sỹ Botz László nêu rõ việc kiểm soát dịch bệnh nhờ những chính sách quyết liệt, tính kỷ luật nghiêm minh cũng như sự tin tưởng của người dân Việt Nam vào Nhà nước đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nhanh và liên tục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, điều này đã nâng cao được uy tín quốc tế của Việt Nam.

Theo tiến sỹ Botz László, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong khuôn khổ của ASEAN rất hiệu quả. Những bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) là động lực cho việc mở rộng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary.

Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt Marcel Winter và Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam Botz László đều đề cao mối hữu nghị truyền thống lâu đời với Việt Nam.

Ông Marcel Winter cho biết truyền thống hữu nghị lâu đời đã kết nối Cộng hòa Séc và Việt Nam, tuy nhiên cần có những phương hướng và hoạt động cụ thể trong đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

[Đối ngoại Việt Nam - Giữ vững bản sắc trong tình hình mới]

Trong 25 năm hoạt động tại Hội Hữu nghị Séc-Việt, bản thân ông đã nhiệt tình đóng góp công sức và vật chất nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Cộng hòa Séc với Việt Nam.

Ông Marcel Winter chia sẻ: “Tình hữu nghị, hợp tác với Việt Nam và giúp đỡ những người Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Séc đã trở thành ý nghĩa của cuộc đời tôi. Cần phải liên tục phát huy các hoạt động này một cách cụ thể và không trông đợi người khác làm thay mình. Các hướng hợp tác hữu nghị song phương phải cụ thể, như trong các kiến nghị để đáp ứng nhu cầu hiện tại của các công ty Séc và Việt Nam, cung cấp thông tin thị trường cần thiết cho các nhà sản xuất, doanh nhân và nhà đầu tư ở cả hai nước. Thông tin hai chiều tốt luôn thực sự có giá trị bằng vàng và là kết quả hợp tác đầy hứa hẹn giữa hai nước."

Về phần mình, tiến sỹ Botz László lưu ý cần có những phương hướng và hoạt động cụ thể để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Hungary.

'Chính sách đối ngoại của Việt Nam là nền tảng tăng hợp tác hữu nghị' ảnh 2Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam Botz László. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)

Theo tiến sỹ, cần chú trọng hỗ trợ nhiều hơn trong việc tuyên truyền về văn hóa Việt Nam tại Hungary, cụ thể như tổ chức nhiều triển lãm về Việt Nam trong quá trình phát triển, chiếu nhiều phim truyện Việt Nam có lồng tiếng Hungary, dịch các tác phẩm văn học của Việt Nam ra tiếng Hungary.

Ông László chia sẻ băn khoăn là đại bộ phận người dân Hungary, đặc biệt là giới trẻ, chỉ biết đến Việt Nam ở góc độ chiến tranh.

Vì vậy, để tăng cường lượng khách du lịch Hungary vào Việt Nam, cần nhiều chương trình giới thiệu đa dạng về các lĩnh vực chính bằng tiếng Hungary, do hiện nay những quảng bá trên mạng Internet đều bằng tiếng Việt, cần thiết phải tổ chức thông tin quảng bá về Việt Nam tại Hungary theo nhiều phương thức tuyên truyền, chiếu phim về tiềm năng du lịch, thành lập các văn phòng du lịch…

Đặc biệt, hai nước cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nhân và doanh nghiệp trong quan hệ kinh tế với Hungary và Đông Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục