Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Prague nhân sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 15/12, tiến sỹ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc), đã đánh giá cao chính sách đối ngoại và những thành tựu đối ngoại quan trọng của Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiến sỹ Hosoda nhận định chính sách đối ngoại của Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn, kết hợp giữa đường lối độc lập, tự chủ và yếu tố đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Đặc biệt, việc triển khai đối ngoại đa phương đã tạo dựng chiến lược ngoại giao ổn định, giúp Việt Nam hóa giải tình thế trong lịch sử cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, nhất là đối với Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo tiến sỹ Hosoda, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ quốc tế, nhất là mở rộng quan hệ hợp tác không chỉ với các nước trong khu vực (ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia), các nước lớn (Trung Quốc, Mỹ, Nga) mà còn đối với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác. Đây là điều rất quan trọng trong chiến lược đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Điều này được thể hiện qua việc không chỉ Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản mà còn cả các nước châu Âu cũng tích cực tham gia góp phần đảm bảo duy trì tự do và an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
Tiến sỹ Hosoda đánh giá cao việc Việt Nam thể hiện quan điểm duy trì mối quan hệ cân bằng và ổn định với các nước láng giềng, song không nhượng bộ, kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của vấn đề an ninh hàng hải. Điều đó cho thấy Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Theo tiến sỹ Hosoda, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây, nhất là trong phát triển kinh tế và đối ngoại, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng như tăng cường tiềm lực quốc gia.
[Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại]
Đặc biệt, việc Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với các nước có cùng lợi ích chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản tháng 11 vừa qua ngay sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản nhậm chức cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản.
Lãnh đạo hai nước đã chia sẻ quan ngại chung về vấn đề Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của tự do đi lại và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Cũng theo tiến sỹ Hosoda, Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này có ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược cũng như tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế.
Tiến sỹ Hosoda cho rằng để tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại trong bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia cũng như tăng cường tiềm lực đất nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng duy trì cân bằng giữa đảm bảo môi trường ổn định khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ nhất, Việt Nam cần chú trọng tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế, trong đó tập trung làm sâu sắc hợp tác không chỉ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà còn với các đối tác quan trọng và truyền thống, nhất là Ấn Độ, Nhật Bản, Nga.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục tham gia các cơ chế hợp tác của ASEAN cũng như các khuôn khổ hợp tác đa phương với sự tham gia của Mỹ, Australia, Nhật Bản, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm định hình các quy tắc ứng xử quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục tham gia thúc đẩy xu hướng thương mại đa phương và tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế thực chất, cùng có lợi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đa phương, nhất là CPTPP và EVFTA.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo, khích lệ các cán bộ tham gia đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế.
Tiến sỹ Hosoda bày tỏ tin tưởng rằng với kinh nghiệm và những thành công đạt được trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua, Việt Nam sẽ tích cực tham gia góp phần duy trì đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.