Chính sách đối ngoại Mỹ đi theo hướng nào khi không có bà Nikki Haley?

Cho dù lý do gì khiến bà Haley đưa ra quyết định từ chức đi chăng nữa thì dường như nhiều khả năng là bà không còn quá cần thiết nữa khi Chính quyền Trump sắp xếp lại bộ máy nhân sự.
Chính sách đối ngoại Mỹ đi theo hướng nào khi không có bà Nikki Haley? ảnh 1Bà Nikki Haley và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Sputnik)

Tờ Washington Post ngày 10/10 đăng bài phân tích về tác động của việc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley từ chức đối với chính sách đối ngoại Mỹ.

Nội dung như sau:

Sau hơn 2 năm đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley đang chuẩn bị rời bỏ vị trí này. Nhiệm kỳ khá ngắn ngủi của bà không phải là bất thường bởi bà còn giữ chức lâu hơn một nửa trong số 10 người tiền nhiệm gần đây. Tuy vậy, quyết định này vẫn gây bất ngờ.

Ngay lập tức có những đồn đoán về quyết định của bà, trong đó phần lớn tập trung vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Song, bà Haley đã khẳng định với báo giới tại Nhà Trắng rằng bà không có tham vọng đó mà sẽ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử.

Bà cũng không nhắc đến những cáo buộc gần đây về sai lầm tài chính vốn được các nhà điều tra tuyên bố chỉ vài giờ trước cuộc gặp với ông Trump.

Cho dù nguyên nhân khiến bà Haley từ chức là gì đi chăng nữa thì tác động của quyết định này sẽ được toàn thế giới theo dõi. Tuy nhiên, nếu đề cập tới những thay đổi thực sự trong chính sách đối ngoại thì sự khác biệt chắc chắn chỉ ở phong cách chứ không phải ở bản chất.

Điều đó không có nghĩa là bà Haley không phải là một nhân vật quan trọng. Dù thường xuyên chỉ trích Liên hợp quốc, ông Trump vẫn đi theo đường lối của ông Clinton và ông Obama trước đây và đưa Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc vào danh sách nội các.

Khi Ngoại trưởng Rex Tillerson do dự khi bị báo giới phỏng vấn thì bà Haley chính là người lên tiếng về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong giới quyền lực của đảng Cộng hòa, bà Haley là một trong số ít những "người tỏ ra khôn ngoan" trong chính sách đối ngoại, ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" không phải là "Nước Mỹ cô độc."

Cá nhân bà phản đối một số chính sách của Chính quyền Mỹ như giảm số người tị nạn được định cư tại Mỹ và bà có quan điểm cứng rắn hơn về Nga so với ông Trump.

Một số nhà phân tích còn cho rằng bà Haley là một "quan chức cấp cao" giấu tên trong Chính quyền Trump - người đã viết bài bình luận trên tờ New York Times - cho rằng nhiều người trong nhánh hành pháp đang lặng lẽ kiềm chế "những cơn bốc đồng tồi tệ" của ông Trump.

[Mỹ: Người kế nhiệm bà Haley ít có tiếng nói quan trọng trong đối ngoại]

Nếu bà Haley là quan chức giấu tên đó thì ông Trump sẽ nghi ngờ. Ngày 9/10, ông Trump còn ca tụng những thành quả mà bà đạt được và cho rằng bà đã khiến vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc "tỏa sáng." Trên thực tế, bà Haley có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Trump.

Ông Trump có lý do để đánh giá cao bà Haley. Bà đã ủng hộ Trump rất nhiều trong các bước đi thực thi chính sách đối ngoại gây tranh cãi của ông, trong đó có cả việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới khu vực đó, cũng như việc rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Bà cũng ủng hộ việc ông Trump cắt giảm viện trợ cho các nước không sẵn sàng ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ và có quan điểm cứng rắn đối với những đối thủ như Iran và Venezuela.

Đáp lại những lời lẽ tốt đẹp của Trump, bà Haley ca ngợi tổng thống và gia đình ông. Bà nói: "Con rể của tổng thống, Jared Kushner là 'một thiên tài ẩn danh mà không ai có thể hiểu được' và cả nước Mỹ hiện biết ơn ông Trump."

Tuy vậy, gần đây Haley ít có vai trò quan trọng hơn trong Chính quyền Trump. Ông Mike Pompeo thay thế ông Tillerson, cam kết khôi phục Bộ Ngoại giao Mỹ với "vẻ huênh hoang" và xử lý phần lớn công việc ngoại giao có liên quan đến Triều Tiên và Iran - hai vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất đối với ông Trump.

Ông Trump cũng chỉ định Cố vấn An ninh Quốc gia mới, John Bolton, người vừa là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc vừa là người chỉ trích tổ chức này.

Ông Bolton sở hữu hiểu biết chi tiết về cách mà Liên hợp quốc hoạt động và có kế hoạch của riêng mình về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Cho dù lý do gì khiến bà Haley đưa ra quyết định từ chức đi chăng nữa thì dường như nhiều khả năng là bà không còn quá cần thiết nữa khi Chính quyền Trump sắp xếp lại bộ máy nhân sự.

Bước đi tiếp theo của bà Haley hiện giờ vẫn chưa rõ ràng. Phóng viên Susan Glasser của tờ New Yorker cho rằng "bà đang chạy đua vào một vị trí nào đó mà chúng ta chưa biết."

Mặc dù việc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 dường như không nằm trong kế hoạch, song bà có thể đang cân nhắc đến điều gì tiếp sau đó. Quãng thời gian ngắn ngủi tại Liên hợp quốc đã cho bà nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại quan trọng mà bà chưa từng có khi giữ các vị trí quan trọng khác trước đây.

Chúng ta vẫn chưa rõ ai sẽ thay vị trí của bà Haley cho dù ông Trump cho biết ông đã có một số lựa chọn và sẽ tuyên bố trong vài tuần tới.

Một số những cái tên nổi lên như Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Dina Powell, Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, Thượng nghị sỹ Tom Cotton hoặc thậm chí là con gái tổng thống Ivanka Trump.

Một giả thuyết khác là bà Haley sẽ giữ vị trí của Thượng nghị sỹ Lindsay Graham trong khi ông nhận vị trí của bà hoặc của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Trong Chính quyền Trump, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Nhưng thật khó để hình dung ai kế nhiệm có thể thay đổi đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ đối với những vấn đề trọng yếu. Thay vào đó, dường như Đại sứ Mỹ tiếp theo tại Liên hợp quốc sẽ có ít sự độc lập chính trị hoặc ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như bà Haley.

Liệu sự độc lập đó có bao giờ tồn tại dưới thời Trump? Bà Haley là người tự tin, thông minh, tham vọng chính trị và từng đấu khẩu với ông Trump trước khi ông thắng cử. Thời gian bà làm việc ở Liên hợp quốc hầu như là để thúc đẩy các chính sách của Trump - những chính sách chỉ đẩy Mỹ ra xa khỏi phần còn lại của thế giới.

Những người chỉ trích bà Haley sẽ không nhớ tới bà như là "người khôn ngoan" mà là người thực hiện những mục tiêu đối ngoại hà khắc của ông Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục