"Chính sách phát triển văn hóa vùng cao còn nhiều bất cập"

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” hàng năm cần hướng về cơ sở, đi sâu vào đời sống quần chúng hơn.
"Chính sách phát triển văn hóa vùng cao còn nhiều bất cập" ảnh 1Giới thiệu dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Lùng Tám, Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang tại "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2012. (Ảnh: TTXVN)

Việc tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” hàng năm và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần hướng về cơ sở, đi sâu vào đời sống quần chúng hơn.

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại hội nghị “Đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào sáng 18/4.

Chưa làm nổi bật nét đặc trưng văn hóa

Theo ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, việc lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” là tiền đề quan trọng để tạo nên những bước chuyển biến mới trong việc tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

“Tuy nhiên, việc tổ chức ‘Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam’ hàng năm và các chính sách trong việc phát triển văn hóa vùng cao hiện còn nhiều bất cập,” ông Trần Hữu Sơn bày tỏ.

Những bất cập ấy thể hiện ở việc chưa làm nổi bật được những nét đặc trưng của văn hóa vùng cao trong quá trình tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” hàng năm. Ví dụ, trang phục truyền thống, đạo cụ biểu diễn nhằm tái hiện các lễ hội, các trò chơi dân gian, giới thiệu phong tục tập quán trong những lần tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, các đại diện tham dự hội nghị cũng cho rằng, các địa phương tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” cần xác định chủ đề cụ thể của từng năm. Hiện nay, theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/4 hàng năm được chọn là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.” Tuy nhiên, chủ đề hoạt động cụ thể của từng năm lại chưa được xây dựng.

Trong suốt 5 năm qua, hầu như chỉ có Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam xác định chủ đề cụ thể cho các hoạt động kỷ niệm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” hàng năm.

“Khi xác định được chủ đề cụ thể, các hoạt động sẽ được triển khai tập trung, có điểm nhấn hơn để làm nổi bật những nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở địa phương đó,” đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk bày tỏ quan điểm.

"Xa rời thực tế"

Dẫn chứng cụ thể cho những bất cập trong các chính sách, quy định hỗ trợ phát triển văn hóa vùng cao, ông Sơn cho biết, các quy định về việc xét cấp kinh phí cho các hoạt động phát triển văn hóa lại chỉ căn cứ vào số dân cụ thể trên địa bàn; không có sự phân biệt các khu vực địa bàn khác nhau.

Theo đó, những bản làng ở vùng sâu, vùng xa với số dân ít hơn sẽ được cấp kinh phí ít hơn những bản làng ở những khu vực địa bàn thuận lợi hơn về giao thông, cơ sở vật chất… nhưng lại có đông dân cư hơn.

“Bên cạnh đó, để tìm được diện tích khoảng 100m2 bằng phẳng ở các bản, xã vùng sâu đã là khó; trong khi đó, chính sách xây dựng nông thôn mới lại yêu cầu ở mỗi xã như vậy phải xây được nhà văn hóa có diện tích 200m2. Những quy định như vậy là hoàn toàn không hợp lý, xa rời thực tế,” ông Sơn phân tích.

Theo vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, nguyên nhân của vấn đề này là: Những người tham vấn cho việc xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam,” chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa vùng cao thiếu kiến thức thực tế, không khảo sát kỹ càng về điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc.

Đứng ở một góc độ khác, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk cho rằng, một “khoảng trống” hiện nay là chưa có sự công nhận chính thức đối với các nghệ nhân dân gian, những người có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

“Hiện nay, chúng ta vẫn gọi họ là những nghệ nhân dân gian nhưng thực chất, đó chưa phải là một công nhận chính thức. Chưa có cơ quan chức năng nào phong tặng danh hiệu cho họ. Đi kèm với đó là việc không có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cụ thể nào đối với những người này,” Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết phương hướng tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” trong thời gian tới là: Căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm, các địa phương, chủ động xây dựng chương trình hoạt động gắn với các sự kiện của đất nước, của địa phương; lựa chọn một sự kiện tổ chức quy mô, ấn tượng nhằm tôn vinh văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa./.

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.”

Việc xác lập “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục