Chính sách tiền tệ linh hoạt giúp tăng trưởng kinh tế

Chiều 28/10, Quốc hội họp thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2009 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương 2010.
Chiều 28/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội họp tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2009, đánh giá chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt của Chính phủ đã góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế thế giới, các ban, ngành, địa phương đã có những nỗ lực lớn để hoàn thành hoạt động thu ngân sách nhà nước, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi chủ yếu, góp phần đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có những biện pháp kiên quyết hơn nữa trong việc chống thất thu thuế, đảm bảo hiệu quả chi ngân sách, hạn chế lãng phí, chống các hành vi tiêu cực trong chi ngân sách.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về vấn đề kỷ luật tài chính trong việc thực hiện Luật ngân sách. Trong những năm qua, mức chi ngân sách, dư ứng trước dự toán năm nào cũng cao hơn dự toán, tốc độ và chất lượng giải ngân còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán chưa được thực hiện nghiêm túc; chưa xử lý kịp thời người vi phạm mà mới chỉ xử lý hiện tượng vi phạm.

Trong khi đó, có đại biểu lại quan tâm đến tình trạng thất thu ngân sách nhà nước và cho rằng, hoạt động thu ngân sách  đang tồn tại 3 hạn chế cần khắc phục là không vững chắc (chủ yếu từ tài nguyên); thu không cân đối chi và thất thu.

Đồng thời có đại biểu cho rằng, tình trạng thất thu đang diễn ra rất đáng quan ngại, nhất là trong các lĩnh vực thuế tài nguyên, khoáng sản do trốn thuế, buôn lậu, doanh nghiệp gian dối bán hàng không đúng giá theo hóa đơn và từ các hành vi giao dịch kinh tế không hóa đơn.

Theo quan điểm của một số đại biểu, chi ngân sách nhà nước cần được tiến hành hiệu quả hơn, đạt mục tiêu chi ngân sách và Chính phủ cần có báo cáo cụ thể hơn về các hoạt động chi ngân sách nhà nước, nhất là các khoản chi vượt cao so với dự toán.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát hiệu quả chi, nhất là các chương trình dạy nghề, lễ hội. Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản cần có biện pháp đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh kéo dài, gây tồn đọng, lãng phí vốn. Nguồn ngân sách  chi cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân chưa đạt tỷ lệ cân xứng với yêu cầu phát triển và cũng chưa đạt hiệu quả.

Có đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu tổng kết việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia để có cơ sở chi ngân sách đúng đối tượng, đạt hiệu quả mục tiêu đề ra, không bị thất thoát nguồn tài chính quốc gia.

Về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010, các đại biểu có cùng ý kiến cho rằng Chính phủ cần đổi mới hoạt động lập dự toán ngân sách nhà nước mang tính chiến lược, đảm bảo sát thực tế, giải quyết hợp lý giữa chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ cấu phân bổ ngân sách theo hướng quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; lồng ghép các chương trình liên quan đến bình đẳng giới, biến đổi khí hậu.

Các đại biểu nhất trí cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ là cần thiết để tập trung chi đầu tư phát triển trung và dài hạn, nhưng theo nguyên tắc nhu cầu đến đâu phát hành đến đó, không chuyển chỉ tiêu chưa thực hiện năm 2009 sang 2010.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại mức bội chi ngân sách và dư nợ của Chính phủ đang ở ngưỡng nguy hiểm và để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, cần giới hạn mức bội chi ngân sách năm 2010 ở mức tối đa 6% GDP.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, bội chi ngân sách cũng là bắt nguồn từ việc thực hiện biện pháp huy động nguồn vốn toàn xã hội vào phát triển kinh tế và mức bội chi ngân sách của Việt Nam hiện nay không có gì nguy hiểm.

Giai đoạn vừa qua, do nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển hạ tầng của Việt Nam trong khi nguồn thu có hạn vì áp dụng các chính sách cắt giảm thuế để kích thích kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế phát triển chậm lại do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, nên đã dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách.

Ông Vũ Văn Ninh khẳng định, hiện nay, an ninh tài chính quốc gia vẫn được đảm bảo khi mọi khoản nợ Chính phủ đều được thanh toán đúng hạn, không có nợ xấu và cũng có khoản nào là nợ quá hạn.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích, Chính phủ dự đoán năm 2010 kinh tế Việt Nam sẽ chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao như những năm trước. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, các chính sách an sinh xã hội đang triển khai cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Vì thế, sau khi cân đối giữa nguồn thu và yêu cầu chi, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua mức bội chi ngân sách năm 2010 là khoảng 6,5%.

Ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục