Chính trường Mỹ: Quyền lực của tổng thống không hề bị lung lay

Người dân Mỹ cần một nhà lãnh đạo mang đến sự yên tâm và giải các giải pháp. Ngay cả vào những thời điểm tích cực nhất, Quốc hội Mỹ vẫn thường gây ra tranh cãi và những sự cố vụn vặt.
Chính trường Mỹ: Quyền lực của tổng thống không hề bị lung lay ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Project Syndicate đưa tin một trong những điểm tương phản nổi bật giữa chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden là cuộc tranh luận về việc liệu tổng thống có đang thâu tóm quyền lực nhiều hơn là phục vụ lợi ích của người dân hay không.

Nhiệm kỳ của Donald Trump gắn liền với hàng loạt bài bình luận cho rằng tổng thống Mỹ đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực, tạo điều kiện cho một kẻ mất trí hoặc chuyên quyền phá hoại sự tự do của người dân.

Các nhà phê bình thúc giục Quốc hội và tòa án Mỹ tự nhìn nhận bản thân trước khi nước này sa lầy vào chủ nghĩa độc tài.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức, đảng Dân chủ đã không có hành động nào nhằm kiềm chế quyền lực của tổng thống - mặc dù họ biết rằng một nhân vật giống như ông Trump, hoặc chính bản thân ông Trump, có thể kế nhiệm ông Biden. Thay vào đó, họ đã chuyển trọng tâm thể chế sang quyền biểu quyết.

[Dư luận Trung Quốc về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden]

Tại sao đảng Dân chủ lại phung phí cơ hội cải tổ chính quyền tổng thống?

Có ý kiến cho rằng đảng Dân chủ không muốn mạo hiểm đặt tổng thống của họ vào thế khó, đặc biệt là vì quyền kiểm soát Quốc hội có thể tuột khỏi tầm tay họ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.

Nếu đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện, tiến trình thông qua chính sách của họ sẽ đòi hỏi việc duy trì quyền lực mạnh mẽ của tổng thống, hành động mà họ từng công khai chỉ trích hồi năm ngoái.

Một khả năng khác là các cuộc công kích của phe cánh tả đối với sự lạm quyền của ông Trump chưa từng xuất phát từ sự chân thành.

Nhóm người chống đối ông Trump có lẽ tin rằng những lời chỉ trích về “chế độ độc tài” sẽ hiệu quả hơn những lời phàn nàn về việc cắt giảm thuế, nhằm kích động làn sóng phản đối.

Hoặc có lẽ quyền lực hiện tại của tổng thống đã bị luật pháp và phong tục áp đặt sâu rộng đến mức bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải tổ chính quyền cũng đều chắc chắn thất bại.

Tuy nhiên, ngoài tất cả những nguyên nhân trên, còn có một lý do sâu xa hơn nữa khiến các tổng thống tiếp tục thâu tóm quyền lực, ngay cả khi xu hướng này trở nên đáng báo động. Đó là công chúng, bao gồm cả các nhà quan sát chính trị giàu kinh nghiệm, muốn một vị tổng thống quyền lực.

Đây không phải vấn đề mang tính lý thuyết hay ý thức hệ, mà là tính thực tiễn. Chỉ có một vị tổng thống hùng mạnh mới có khả năng giải quyết nhiều thách thức của quốc gia.

Đây đã là bài học của 2 thập kỷ qua, khi Mỹ phải hứng chịu ba cuộc khủng hoảng lớn: vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, và bây giờ là đại dịch COVID-19 kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020-2021. Một cuộc khủng hoảng đòi hỏi khả năng điều hành quyết đoán.

Người dân Mỹ cần một nhà lãnh đạo mang đến sự yên tâm và giải các giải pháp. Ngay cả vào những thời điểm tích cực nhất, Quốc hội Mỹ vẫn thường gây ra tranh cãi và những sự cố vụn vặt.

Họ cũng có những lý lẽ tưởng chừng phù hợp nhưng lại tự gây bất lợi cho chính mình, tạo ra sự chậm trễ thay vì tiến tới hành động.

Các cuộc khủng hoảng như Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới II đã hình thành nên chế độ tổng thống "đế quốc" hiện đại.

Quốc hội sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho tổng thống, thông qua một loạt quy chế trao quyền cho cơ quan hành pháp, nhằm ứng phó và ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng mới nào.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và kích thích tăng trưởng, các nguồn lực và thẩm quyền đã bao trùm văn phòng Tổng thống đến mức chính những người sáng lập nước Mỹ cũng không còn nhận ra.

Quy mô của chính phủ Mỹ đã tăng lên mà không có sự gián đoạn nghiêm trọng nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi hầu như tất cả các thành quả về nhân sự, tiền bạc và cơ sở hạ tầng đều diễn ra bên trong cơ quan hành pháp.

Đảng Dân chủ muốn có một tổng thống quyền lực để điều tiết nền kinh tế, trong khi đảng Cộng hòa muốn có một tổng thống quyền lực để bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, tình trạng nhập cư bất hợp pháp và suy giảm an ninh kinh tế ngày càng nghiêm trọng.

Tất cả các cuộc xung đột chính trị chống chính phủ trong những năm 1980 và 1990 đã biến mất hoàn toàn sau sự kiện 11/9.

Tổng thống đã tuyên bố, đồng thời Quốc hội và tòa án Mỹ đã phê chuẩn các quyền lực giám sát và an ninh mới, trên danh nghĩa bảo vệ người dân nước này khỏi các cuộc tấn công khủng bố, cũng như các mối đe dọa khác từ bên ngoài.

Cuộc khủng hoảng tài chính 7 năm sau đó đã buộc Mỹ phải đưa ra sự can thiệp lớn chưa từng có đối với nền kinh tế, khi giới chức hành pháp một lần nữa dẫn đầu công cuộc phản ứng.

Chính trường Mỹ: Quyền lực của tổng thống không hề bị lung lay ảnh 2Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Quốc hội Mỹ cũng tham gia bằng cách hỗ trợ hàng trăm tỷ USD cho các nguồn lực vô hạn của nhánh hành pháp, sau đó mở rộng quyền lực vốn đã khổng lồ của tổng thống, nhằm điều chỉnh hệ thống tài chính sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Sự bất an lan rộng trong người dân do thảm họa kinh tế đã giúp thúc đẩy khả năng can thiệp sâu rộng của chính phủ vào các thị trường chăm sóc sức khỏe dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Năm ngoái, mô hình này đã lặp lại. Đại dịch và khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự can thiệp cấp nhà nước thậm chí còn lớn hơn, đi kèm với những ràng buộc trên quy mô lớn và sâu rộng nhất trong lịch sử nước Mỹ đối với quyền tự do cá nhân (mặc dù chủ yếu là theo chỉ thị của các nhà lãnh đạo địa phương, thay vì chính quyền đầy xáo trộn của ông Trump).

Điều đáng thắc mắc duy nhất trong câu chuyện về quyền hành pháp ngày càng mở rộng này là việc ông Trump từ chối sử dụng nó trong bối cảnh tồi tệ nhất của ba cuộc khủng hoảng nói trên.

Các chính khách tự do từng cho rằng ông Trump đang tìm cớ để lập ra một chế độ độc tài đã cùng các thành viên đảng Cộng hòa huy động tiền mặt cho ông để sử dụng khi cần.

Họ yêu cầu ông áp đặt các lệnh phong tỏa và viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng để chi phối các nguồn lực kinh tế tư nhân nhằm ứng phó với đại dịch.

Ông Trump phản đối hầu hết những lời kêu gọi này, song vẫn phê chuẩn việc chi hơn 1.000 tỷ USD cho các quỹ viện trợ do Quốc hội chiếm đoạt (và đảm bảo tên của ông xuất hiện trong các gói kích thích kinh tế).

Ông Trump đã hành động một cách yếu ớt thay vì dứt khoát, bởi ông lo ngại rằng một phản ứng mạnh mẽ của liên bang sẽ gây thêm tổn hại cho nền kinh tế và làm suy yếu triển vọng tái đắc cử của ông.

Mặc dù, ông Trump xứng đáng được tín nhiệm với chương trình triển khai vaccine có tên Operation Warp Speed (tạm dịch là “Chiến dịch thần tốc”), song ông đã tạo ấn tượng về việc nghe theo Quốc hội mà không tự mình lãnh đạo - và ông đã phải trả giá tại các cuộc thăm dò.

Trước thực tế, ông Trump tự nhận mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của cánh hữu và bị cánh tả lo ngại sẽ trở thành một nhà độc tài, nghịch lý nói trên càng trở nên nổi bật.

Rõ ràng, ông Biden đã quyết tâm không để mắc sai lầm tương tự. Với việc tính toán rằng tăng cường quyền lực tổng thống sẽ là bước đi thuận lợi nhất, Biden đã vận hành chương trình chính trị tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông Biden không những đưa ra hàng loạt quyết định hành pháp và các đề xuất lập pháp sâu rộng, mà thậm chí còn xem xét cải cách Tòa án Tối cao, thành trì cuối cùng của đảng Cộng hòa trong chính phủ liên bang.

Việc các cuộc tranh luận về quyền lực tổng thống bỗng chốc biến mất chỉ vài tháng sau khi một đám đông tấn công Điện Capitol theo chỉ thị của ông Trump - một tổng thống bị cáo buộc có tham vọng độc tài - cho thấy rằng quyền lực tổng thống của nước Mỹ vẫn không hề lung lay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục