Thời báo kinh tế Nihong Keizai (Nhật Bản) vừa có bài viết cảnh báo rằng bên cạnh những mặt tích cực mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mang lại, kinh tế Việt Nam cũng đang phải gánh chịu những tác động bất lợi từ cuộc chiến này.
Một báo cáo do Savills Việt Nam vừa công bố cũng đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tăng cường chọn lọc dự án đầu tư chú trọng vào chất lượng hơn số lượng để chuyển sang các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao. Nếu những tác động xấu trong và ngoài nước ngày càng rõ ràng thì Việt Nam có thể sẽ tăng cường chọn lọc các dự án đầu tư hơn.
Theo bài viết đăng trên báo Nihong Keizai, khi các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam càng nhiều, thì nền kinh tế và việc làm tại nước này càng thuận lợi. Trong một khảo sát của Nomura International, Việt Nam đứng đầu trong số các địa điểm được doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang vướng phải tình trạng khó khăn là giá nhân công và tiền thuê đất gia tăng.
Mặc dù được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp những khó khăn nhất định. Một tờ báo địa phương dẫn bài phỏng vấn chuyên gia cho biết, do có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển đến Việt Nam để tránh ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan Mỹ, nên các cuộc cạnh tranh gay gắt về nhân lực và đất đai đã xảy ra.
Tình hình cũng diễn ra tương tự đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam từ trước. Theo điều tra khảo sát do Ngân hàng Mitsui Sumitomo tiến hành với 172 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vào tháng 6/2019, số doanh nghiệp cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra tác động bất lợi đã nhiều hơn số doanh nghiệp trả lời có tác động tích cực. Kết quả này hoàn trái ngược với một cuộc khảo sát tương tự từng được tiến hành vào tháng 12/2018, khi đó có rất nhiều doanh nghiệp cho rằng họ được hưởng lợi từ cuộc chiến này.
Sự thay đổi trên xuất phát từ việc chi phí nhân công tăng lên. Nhiều doanh nghiệp cho biết, sự cạnh tranh trên thị trường lao động đã đẩy chi phí nhân công lên cao và khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại. Khi chi phí nhân công gia tăng, sức mua của tầng lớp trung lưu lớn hơn và có lợi cho tiêu dùng trong nước, nhưng lại gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp muốn nhắm tới lực lượng lao động giá rẻ./.