“Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới cơ chế, chính sách…,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” được tổ chức ngày 19/9, tại Hà Nội.
Nhận diện để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.
Đến hết năm 2018, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đương - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn; trong đó, giai đoạn 2011-2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.
[Vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" - thách thức đối với Việt Nam]
Tuy nhiên, Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.
“Do đó, Việt Nam cần nhận diện được những khó khăn trước mắt sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và thách thức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia về thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông K.Yogeesvara, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia cho biết quốc gia này đã từng trải qua những giai đoạn phát triển như của Việt Nam. Malaysia đã mất 27 năm để chuyển từ quốc gia có thu nhập thấp và 23 năm để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. Những thách thức mà Malaysia khi đó phải đối mặt là vấn đề tăng trưởng nhanh nhưng thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch, vấn đề kỹ năng, chất lượng của nguồn nhân lực…
Do đó, ông K.Yogeesvara cho rằng một trong những giải pháp tránh bẫy thu nhập trung bình là đầu tư xứng đáng vào nguồn nhân lực, vào con người.
Ngoài ra, cần xem xét sự cân đối giữa phát triển khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng.
Bên cạnh việc Việt Nam phải vượt qua “bẫy thu nhập trung bình,” hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những cản trở đối với sự phát triển.
Chuyên gia kinh tế cao cấp, ông Cao Viết Sinh, cho rằng đó là thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
“Vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, việc cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn còn chưa thực chất…,” ông Sinh nhấn mạnh.
Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Brookings (Hoa Kỳ), ông David Dollar, cũng cho rằng khu vực tư nhân ở Việt Nam đang bị tụt hậu do thiếu tiếp cận nguồn tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu…
Bên cạnh đó, khu vực này cũng bộc lộ một số yếu kém trong thực thi hiệu lực hợp đồng và giải quyết thủ tục nếu bị phá sản. Điều cần làm hiện nay là Việt Nam cần xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho các doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Tất Thắng cũng cho rằng thị trường chưa thực sự là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc, khiến cho môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, an toàn và thiếu nhất quán. Cải cách hành chính tuy rất tích cực nhưng không đồng đều. Bộ máy hành chính chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, vận hành của nền kinh tế thị trường...
“Việt Nam có tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro đem lại,” Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức. Để đạt được mục tiêu tới năm 2030 là nước có nền tảng công nghiệp, mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, trước mắt, chúng ta cần tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội.
Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Cao Viết Sinh cho rằng Việt Nam cần hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ các thị trường.
Theo tiến sỹ Jan Rielander, đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm Phát triển tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho rằng dù Việt Nam đã là một quốc gia có nhiều bài học thành công nhưng trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, thì Việt Nam nên là một nền kinh tế tích hợp giữa khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân trong nước. Khi 3 khu vực này liên kết và tương tác được với nhau sẽ tạo ra cơ hội mới.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định nền kinh tế Việt Nam hiện thiếu tính tích hợp, thể hiện ở việc các khu vực kinh tế không có tính kết nối, các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau không có tính kết nối giữa các địa phương trong vùng cũng không tạo được sự liên kết tổng thể và cộng hưởng lẫn nhau. Thực tế này làm cho Việt Nam không tạo được năng lực nội tại để đứng vững trước những bất định của nền kinh tế thế giới.
Tiến sỹ K.Yogeesvara cho rằng việc kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần được đánh giá cụ thể trong từng ngành nghề để xác định được mức độ liên kết trong ngành nào là yếu kém và cải thiện.
Ông K.Yogeesvara khuyến nghị Việt Nam cần thu hút FDI vào những lĩnh vực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp và người dân. Thậm chí việc thu hút cả những doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa từ các quốc gia khác lại chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI tăng được tính kết nối, cũng như giúp doanh nghiệp Việt trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Brookings (Hoa Kỳ), khuyến nghị Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; đồng thời, cần mở cửa khu vực dịch vụ gồm tài chính, viễn thông, ngân hàng, công nghệ... để thu hút đầu tư và thực hiện giao thương đối với đối tác nước ngoài.
Tại diễn đàn, hầu hết các chuyên gia trong nước và quốc tế đều khuyến nghị, đối với Việt Nam, kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững nếu sử dụng năng lượng tái tạo, nếu sản xuất hướng đến sản xuất xanh…
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng tăng năng suất, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước...
Tuy nhiên, không thể có một công thức chung, không thể có một mô hình áp dụng cho từng quốc gia. Với những kinh nghiệm chia sẻ và các giải pháp đề xuất ngày hôm nay sẽ được Việt Nam điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam. Quyết định đúng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công, sẽ đạt được mục tiêu và khát vọng.
“Theo đó, phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện, vì nguồn lực của chúng ta luôn có hạn? Và cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra...,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.