Chủ động kết nối doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao

Các doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp đồng bộ trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo tinh thần lấy người dân, DN và địa phương làm trung tâm phục vụ
Chủ động kết nối doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao ảnh 1Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các diễn giả dự tọa đàm về Ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp làm trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đang diễn ra với nhiều nội dung trọng tâm của công tác ngoại giao trong thời gian tới, đóng góp thiết thực vào thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước.

Theo các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.

Chủ động kết nối

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, ngoại giao kinh tế trong nhiều năm qua đã chuyển theo hướng phục vụ địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành Ngoại giao là nòng cốt và các địa phương với tư cách là trung tâm phục vụ.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, trong kết nối, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp, địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, địa phương cần cung cấp thông tin về nhu cầu, thế mạnh, sản phẩm cung cấp cho đối tác… Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin, thế mạnh của địa bàn cũng như sự hỗ trợ tốt nhất có thể.

“Trong hơn hai năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, chúng ta tổ chức được nhiều hoạt động kết nối trực tuyến, cùng một lúc có nhiều đầu mối tham gia. Điển hình như việc đàm phán mua máy thở, thay vì phải cử đoàn sang, đoàn vào, chúng ta tổ chức đàm phán ba bên: Đại diện của Bộ Y tế, các vụ, viện liên quan; đối tác; đại sứ quán. Ba bên cùng ngồi với nhau, xử lý thông tin tại chỗ và trở thành cơ chế, nền nếp trao đổi hiệu quả,” Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất, nêu yêu cầu với các cơ quan đại diện. Một số địa phương làm rất tốt như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…

Chủ động kết nối doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Sự chủ động của địa phương và doanh nghiệp là nhân tố quyết định thành công trong thời kỳ cạnh tranh quyết liệt này.

Đánh giá lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương trong thu hút đầu tư, trao đổi hợp tác với Mỹ, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng: “Địa phương ven biển có thế mạnh về du lịch, giao thông, cảng biển…; địa phương miền núi có thế mạnh về du lịch, ngành nghề truyền thống. Vấn đề ở đây là làm thế nào để địa phương kết nối với địa phương? Chính quyền Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò hỗ trợ, nhưng chỉ khi các địa phương đi vào hợp tác với nhau mới tạo nền tảng vững chắc. Việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương sẽ là xu thế tới đây.”

Nhắc lại sự chủ động của các địa phương, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho hay, đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt khi các đối tác, các địa phương nước khác cùng “xông vào” Mỹ.

Địa phương của Việt Nam cần “bỏ tâm lý chờ họ đến với mình,” chúng ta cần chủ động đến, thuyết phục. “Hiện nay Mỹ đang rất quan tâm đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đều nằm trong chiến lược của chính quyền hiện nay. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng khuyến khích và ưu đãi,” Đại sứ Hà Kim Ngọc gợi ý.

[Cần cơ chế hoàn thiện, thực chất hơn trong thu hút nguồn lực kiều bào]

Chia sẻ câu chuyện đưa quả vải Việt Nam vào thị trường khắt khe, khó tính như Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh việc chủ động xâm nhập, đẩy mạnh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường thế giới.

“Ngược lại, Đại sứ quán cần có tính chủ động trong việc kết nối với các doanh nghiệp. Khi gặp bất cứ doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật, tôi đều hỏi thăm tình hình, đưa danh thiếp của mình để các doanh nghiệp tiện kết nối. Không chỉ kiểm tra email mỗi ngày để hỗ trợ kịp thời, tôi thường gọi lại hỏi thăm tình hình và tiếp tục hỗ trợ khi họ gặp vướng mắc,” Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết.

Thị trường Nhật rất tiềm năng, người Nhật có thu nhập cao, sức mua lớn, văn hóa ẩm thực phát triển nên nông sản Việt Nam có tiềm năng, cơ hội lớn. Hiện tại, nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật khá ổn định.

Chủ động kết nối doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao ảnh 3Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam tự hào khi cầm trên tay vải thiều được bày bán tại siêu thị AEON. (Ảnh: Bùi Hà/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh tinh thần không phụ thuộc vào thị trường mà phải nắm chắc 3 chữ tự: Tự tin, không được tự ti, không tự mãn.

"Hiện, nhiều nông dân hay doanh nghiệp tự ti về chất lượng sản phẩm, nghĩ rằng không thể xuất khẩu được, nếu đầu tư sợ lỗ. Chúng ta nên tự tin, mạnh dạn đầu tư chất lượng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Song song với đó, không được tự mãn bởi có nhiều sản phẩm đã xuất khẩu được nhiều đợt, nhưng chỉ cần chủ quan, dính dư lượng, sẽ gây mất niềm tin của khách hàng với sản phẩm. Người Nhật đánh giá rất cao tính an toàn thực phẩm. Nếu chỉ tiếc một lô hàng mà tìm mọi cách xuất đi để thu hồi vốn, sẽ mất tất cả tiềm năng về sau. Việc tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn an toàn khác với việc coi đó là rào cản. Chúng ta bán những gì họ cần, không bán những gì mình có, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm toàn diện từ chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, cách thiết kế…, phù hợp với thị hiếu nước sở tại,” Đại sứ Vũ Hồng Nam thông tin.

Lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ

Chia sẻ về mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile, Đại sứ Việt Nam tại Chile Phạm Trường Giang cho rằng, nền tảng quan hệ về chính trị giữa hai Chính phủ rất tốt đẹp, có truyền thống hữu nghị lâu năm.

Cùng với việc tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị về chính trị và ngoại giao giữa hai đất nước, Cơ quan đại diện Việt Nam tại Chile đang thúc đẩy, kết nối doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại.

Theo số liệu có được trong hai năm gần đây, thương mại hai chiều Việt Nam-Chile đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm, trong đó Việt Nam xuất hơn 900 triệu USD.

[Doanh nghiệp và địa phương đồng hành để hội nhập và phát triển]

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với khoảng cách địa lý tương đối xa, nhưng các số liệu kinh tế thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tăng. Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại Việt Nam ở Chile tiếp tục thúc đẩy để tăng cường xuất khẩu hai nước.

Hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do năm 2011, có hiệu lực từ năm 2014, đại đa số các mặt hàng xuất khẩu hai bên đều được hưởng thuế suất 0%, số ít mặt hàng chịu thuế 1,6%.

“Năm tới hai nước sẽ phát huy thế mạnh mỗi bên để tiếp tục tăng cường giao thương,” Đại sứ Phạm Trường Giang hy vọng.

Sắp sang Israel nhận nhiệm vụ tại đất nước nổi tiếng về khoa học công nghệ, Đại sứ Lý Đức Trung chia sẻ niềm vinh dự lớn cùng với trách nhiệm để triển khai đầy đủ những nội dung, đường lối quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.

Theo Đại sứ Lý Đức Trung, Việt Nam và Israel là hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng. Vượt lên nhiều khó khăn khách quan về điều kiện tự nhiên, Israel đã chinh phục, cải tạo được thiên nhiên, dùng sức người, trí tuệ và sự sáng tạo không giới hạn của con người để cải tạo thiên nhiên.

Chủ động kết nối doanh nghiệp, địa phương và ngành Ngoại giao ảnh 4Xuất khẩu cá ngừ sang Israel. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Từ một nơi không có nước ngọt, đến nay đã có nước ngọt; từ nơi toàn cát, đến nay đất canh tác trên sa mạc, có thể nuôi thủy sản, tạo ra những loại cây trái có chất lượng cao nhất thế giới.

“Tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Israel rất lớn. Chúng ta có những địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực miền Trung và Nam Trung bộ rất tương đồng với Israel. Israel là nước rất nhỏ nằm ở phía Tây Địa Trung Hải với diện tích 20.000km2, nhưng chỉ có 4.000km2 có thể cày cấy, trồng trọt được. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tạo ra những giải pháp mới trong nông nghiệp như cải tạo đất, giống, lưu giữ giống bản địa và phát huy những giống đó trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới để tạo ra năng suất cao,” Đại sứ Lý Đức Trung cho biết.

Đại sứ Lý Đức Trung nhận định, đến thời điểm này, chúng ta rất mạnh về hạt tiêu, hạt điều và nhiều mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm này còn ở mức vừa phải.

Trong quá trình hợp tác, chúng ta có thể tối ưu hóa năng lực sáng tạo của hai bên, mời các chuyên gia Israel cùng làm việc với các chuyên gia trong nước để tạo bước đi mạnh mẽ, chủ động đầu tư, tạo ra sản phẩm phù hợp với sở thích người tiêu dùng.

Nhấn mạnh thế mạnh “công nghệ” và “quản trị” của Israel, Đại sứ Lý Đức Trung cho biết, đất nước này đưa công nghệ vào quản trị xã hội, đời sống, sản xuất, doanh nghiệp.

Những thành tựu Israel đạt được dựa trên nền công nghệ quản trị và trở thành quốc gia khởi nghiệp có vị thế hàng đầu thế giới với sức hấp dẫn lớn.

Để kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Israel, Đại sứ Lý Đức Trung cho biết, Cơ quan đại diện Việt Nam ở Israel và các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhau chặt chẽ để mang lại hiệu quả thiết thực cho các hoạt động, chương trình hợp tác giữa hai nước ở mọi cấp khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục