Chủ quyền biển đảo - Trường Sa và Hoàng Sa trên Cửu đỉnh triều Nguyễn

Vua Minh Mạng đã cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc lên 3 đỉnh cao, to và quan trọng nhất trong bộ Cửu đỉnh, gồm Biển Đông (với lãnh thổ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) ở Cao Đỉnh.
Chủ quyền biển đảo - Trường Sa và Hoàng Sa trên Cửu đỉnh triều Nguyễn ảnh 1Vẻ đẹp trường tồn của bộ Cửu đỉnh. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Thời phong kiến, ở những nước Á Đông như Việt Nam, đỉnh được xem là thứ bảo vật, tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà vua.

Hiện ở Cố đô Huế vẫn còn tồn tại bộ Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng) có từ thời nhà Nguyễn, được đánh giá như một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 19 được biểu trưng bằng hình ảnh.  

Cửu đỉnh Huế không chỉ là Bảo vật Quốc gia thể hiện cho quyền uy và sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, mà còn được đánh giá là một bộ dư địa chí, một bộ bách khoa thư độc đáo về Việt Nam hồi đầu thế kỷ 19.

Đặc biệt, trên Cửu đỉnh nhiều địa danh sông núi, biển đảo... của đất nước được thể hiện rất rõ ràng, minh xác. Điều đó cho thấy cha ông ta ngày trước rất ý thức về chủ quyền quốc gia, trong đó có vấn đề biển đảo.

Vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc Cửu Đỉnh từ tháng 12/1835 và đến ngày 1/3/1837 thì việc đúc đỉnh được hoàn thành.

Trước khi đúc, triều đình tổ chức lễ cáo, đúc xong đưa tới đặt trước sân Thế Tổ Miếu (miếu thờ các vị vua triều Nguyễn bên trong Hoàng Thành, Huế), sau lưng Hiển Lâm Các, làm lễ tạ. Cửu đỉnh ở nguyên vị trí từ đó đến ngày nay. Trải qua 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu.

Mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua triều Nguyễn và được đặt tên ứng với thuỵ hiệu (tên của vua sau khi băng hà) của vị vua ấy. Ví dụ như Cao đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long được đặt theo thụy hiệu Cao Hoàng đế, Nhân đỉnh tượng trưng cho vua Minh Mạng được đặt theo thụy hiệu Nhân Hoàng đế...

[Bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh Huế xứng đáng là Di sản Tư liệu Thế giới]

Trên mỗi đỉnh, theo lệnh vua Minh Mạng, các nghệ nhân đúc đồng chạm khắc tổng thể 162 bức họa tập hợp lại thành một bức tranh toàn cảnh về đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Đặc biệt, vua Minh Mạng đã cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc lên 3 đỉnh cao, to và quan trọng nhất trong bộ đỉnh này, gồm Biển Đông (với lãnh thổ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) ở Cao Đỉnh, biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương Đỉnh.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời vua Minh Mạng, ranh giới hành chính các địa phương và các vùng biển được phân chia rất rõ ràng trong phân cấp quản lý nhà nước.

Theo đó, Biển Đông (Đông Hải) kéo dài từ phía Bắc cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình.

Biển Nam (Nam Hải) bao gồm từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia…

Biển Tây (Tây Hải) là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan.

Trên bề mặt Cao đỉnh, hình ảnh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được khắc rõ nét vào năm 1836 với các bức chạm khắc về Biển Đông (Đông Hải) với, Ô thuyền (loại thuyền tuần tiễu trên biển của thủy binh thời vua Gia Long), Đa tác thuyền (thuyền lớn có khả năng đi biển được dài ngày, vượt đại dương) và con ba ba.

Trên Nhân đỉnh chạm khắc hình ảnh Biển Nam (Nam Hải), cá voi, đồi mồi. Trên Chương đỉnh có hình ảnh Biển Tây (Tây Hải), thuyền rồng, con rùa. Và trên Nghị đỉnh, Dụ đỉnh, Thuần đỉnh, Nhân đỉnh… có hình cửa biển Thuận An, cửa biển Đà Nẵng, biển Cần Giờ. Ngoài ra trên các đỉnh này còn được chạm khắc các hình tượng thuyền như Ô thuyền, Thuyền lâu - loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu đẹp cho thấy thành tựu nổi bật của ngành đóng tàu thuyền của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn) hay thuyền Hải đạo - chuyên dùng cho Thủy binh nhà Nguyễn.

Chủ quyền biển đảo - Trường Sa và Hoàng Sa trên Cửu đỉnh triều Nguyễn ảnh 2Hình tượng biển Đông Hải được khắc trên Cao đỉnh. Biển Đông Hải có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được khắc vào năm 1836 dưới triều vua Minh Mạng. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Trên Nhân đỉnh chạm khắc hình ảnh Biển Nam (Nam Hải), cá voi, đồi mồi. Trên Chương đỉnh có hình ảnh Biển Tây (Tây Hải), thuyền rồng, con rùa. Và trên Nghị đỉnh, Dụ đỉnh, Thuần đỉnh, Nhân đỉnh… có hình cửa biển Thuận An, cửa biển Đà Nẵng, biển Cần Giờ.

Ngoài ra trên các đỉnh này còn được chạm khắc các hình tượng thuyền như Ô thuyền, Thuyền lâu - loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu đẹp cho thấy thành tựu nổi bật của ngành đóng tàu thuyền của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn) hay thuyền Hải đạo - chuyên dùng cho Thủy binh nhà Nguyễn.

Trên cửu đỉnh vùng biển Đông Hải, Nam Hải và Tây Hải của Việt Nam được khắc với hình ảnh sóng nước nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ và chính giữa hình khắc có các chữ Hán nổi thể hiện rõ tên của mỗi vùng biển.

Những hình ảnh trên cho thấy từ thời các vua Nguyễn, vấn đề về chủ quyền biển đảo đã được đề cao.

Theo các bằng chứng lịch sử các vua triều Nguyễn đã sớm xác lập và khẳng định chủ quyền đối với biển, đảo Tổ quốc. Dưới thời nhà Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có tranh chấp.

Bằng chứng là ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là do cai đội Phạm Văn Nguyên cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng.

Tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mạng 16 (năm 1835), sách Đại Nam thực lục chép rằng: "Dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong rồi về."

Hoàng Sa tự là "bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam" tại Hoàng Sa.

Chủ quyền biển đảo - Trường Sa và Hoàng Sa trên Cửu đỉnh triều Nguyễn ảnh 3Cửu đỉnh Huế là bảo vật tư liệu vô giá. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Các triều vua nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng lớn bao gồm quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Giám thành Khâm thiên giám, thủy sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn luỹ, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết.

Cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, trong đó có Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục