Chủ tịch Đường sắt lý giải việc vé tàu Tết Nguyên đán Tân Sửu ế ẩm

Giá vé của ngành đường sắt không có cơ hội cạnh tranh với vé máy bay, trừ một vài tuyến ngắn nhưng không mang lại doanh thu cao.
Ngành đường sắt vẫn có khoảng 70.000 vé tàu hỏa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chưa bán hết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngành đường sắt vẫn có khoảng 70.000 vé tàu hỏa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chưa bán hết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đến thời điểm này vẫn có khoảng 70.000 vé tàu hỏa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chưa bán hết.

Để thu hút hành khách đi tàu, VNR cũng đưa ra nhiều chính sách giảm giá vé với hành khách đi tàu như miễn phí hoàn toàn cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm 50% giá vé cho trẻ em từ 6-10 tuổi. Sinh viên và công nhân khu công nghiệp chế xuất cũng được giảm từ 5-10%. Ngoài ra, nếu hành khách mua vé khứ hồi cũng được giảm 10%.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, dự báo năm nay, VNR chỉ đạt 70% về sản lượng giá vé bán Tết Nguyên đán so với 2020, việc bố trí đoàn tàu Tết cũng không nhiều như năm ngoái dù có tăng cường thêm lịch chạy cũng không thu hút được hành khách và càng chạy càng lỗ nên để khoảng thời gian rỗng chạy tàu để khi có sự cố sẽ không bị phá vỡ biểu đồ chạy tàu, đảm bảo phục vụ chất lượng tốt hơn cho hành khách.

Chỉ ra nguyên nhân khiến vé tàu ế ẩm, ông Minh cho biết trong điều kiện xã hội phát triển, hành khách quan tâm tới thời gian nên chọn phương thức vận tải nhanh là hàng không.

“Khi thị trường đường bay quốc tế chưa thể khai thác trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không tập trung đẩy mạnh tăng tần suất, mở mới các đường bay nội địa, kể cả lỗ cũng bay nhưng đảm bảo chi phí biên độ nên giá vé máy bay hạ thấp. Điều này dẫn đến đường sắt không có cơ hội do dư địa cạnh tranh thấp, trừ một vài tuyến ngắn nhưng không mang lại doanh thu cao. Bên cạnh đó, người dân có sự chủ động sắp xếp lựa chọn thêm vận tải đường bộ,” ông Minh nhìn nhận.

[Ngành đường sắt lo bị xóa sạch 3.200 tỷ đồng nguồn vốn chủ sở hữu]

Cho rằng nhu cầu đi lại của người dân sẽ tập trung giữa các đô thị sau đó sẽ lan tỏa về các địa phương, ông Minh thừa nhận, trong khi bình thường 30 phút, 1 tiếng sẽ có chuyến bay và ngành hàng không bay liên tục từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm thì đường sắt bị hạn chế về giờ tàu chạy và không linh hoạt thời gian như khi vào trong đô thị chỉ được chạy sáng sớm hay tối nên càng khó hơn bởi ngày Tết ai cũng muốn đi nhanh để tận dụng thời gian về nhà.

Thêm nữa, đợt dịch COVID-19, sự cố sập cầu Ghềnh, bão lũ miền Trung... khiến đường sắt bị gián đoạn nên những hành khách có thói quen đi tàu đã có sự chuyển hướng tiếp cận sang các phương thức vận tải khác.

Nhìn nhận ngành đường sắt đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với thị trường, theo ông Minh, năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa (chiếm 58% vận tải của đường sắt) đã vượt vận tải hành khách.

“Có được thành quả này chính là nhờ định hướng của Tổng công ty đã xác định từ năm 2019 vận tải hàng hóa sẽ là chủ đạo do thị phần vận tải khách ngày càng sụt giảm và VNR đã xếp thứ tự ưu tiên giờ tàu chạy hàng hóa để mang lại hiệu quả nhất, doanh thu về vận tải hàng hóa hỗ trợ một phần về kết quả sản xuất kinh doanh cho đơn vị,” người đứng đầu VNR phân trần.

Ông Minh cũng thừa nhận dịch COVID-19 đã tác động sâu nặng và làm thay đổi những sự kỳ vọng vào năm 2020 ngành đường sắt sẽ bình ổn về sản lượng khách và hàng qua 2-3 năm điều chỉnh về sản phẩm, phân khúc khách hàng, tuyến đoạn, tái cơ cấu.

“VNR không đặt chỉ tiêu vận tải hành khách tăng mà hướng tới hàng hóa tăng từ 5-7% và minh chứng rõ nhất qua mỗi lần sự cố ngành cần phải tập trung quyết liệt cho định hướng đúng về vận tải hàng hóa. Hiện, cước liên vận quốc tế hàng hải tương đối cao nên vận tải hàng hóa liên vận đường sắt qua các cửa ngõ Lào Cai, Đồng Đăng sẽ phát triển,” ông Minh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục