Chủ tịch ECB tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đồng euro

Tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đồng euro của ông Draghi ngay lập tức đã đẩy các thị trường tiền tệ và cổ phiếu vào quỹ đạo tăng điểm.
Ngày 26/7, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đồng tiền chung châu Âu.

Động thái của ông Draghi ngay lập tức đã đẩy các thị trường tiền tệ và cổ phiếu vào quỹ đạo tăng điểm.

Trong bài diễn văn tại London (Anh), ông Draghi cho biết ECB sẵn sàng làm mọi việc nhằm bảo vệ đồng euro vì sự tồn tại của đồng tiền này là "không thể thay đổi được," đồng thời khẳng định ECB sẽ giữ cho nợ công của các quốc gia Khu vực đồng euro nằm trong vòng kiểm soát khi vấn đề này cản trở việc ấn định lãi suất thích hợp.

Ông ca ngợi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt tiến bộ phi thường trong sáu tháng nỗ lực dập tắt "ngọn lửa" nợ công vừa qua, song khẳng định ngân hàng do ông phụ trách sẽ không thực hiện những biện pháp thuộc trách nhiệm của các chính phủ nước thành viên Khu vực đồng euro.

Theo các nhà phân tích, tuyên bố trên của ông Draghi là dấu hiệu cho thấy ECB có thể sớm áp dụng trở lại chương trình gây tranh cãi là mua trái phiếu của những nước thành viên Khu vực đồng euro gặp khó khăn về tài chính.

ECB đã phải chịu sức ép khởi động lại chương trình trên sau khi phí tổn vay mượn của Tây Ban Nha đầu tuần này tăng vọt lên hơn 7%, mức lãi suất từng buộc Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp phải xin cứu trợ vỡ nợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Động thái mới của ông Draghi ngay lập tức đã tác động đến thị trường tiền tệ, với lãi suất vay mượn của các quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ tiềm tàng như Tây Ban Nha sụt xuống dưới 7% và Italy xuống chỉ còn hơn 6%.

Thị trường chứng khoán cũng đã sôi động hơn và đồng euro bắt đầu nhích giá trên thị trường ngoại hối sau nhiều ngày sụt giảm mạnh trước những lời đồn đại rằng Khu vực đồng euro có thể tan vỡ và rằng Tây Ban Nha có thể cần cứu trợ vỡ nợ. Mọi sự chú ý hiện đổ dồn vào cuộc họp báo của ông Draghi vào ngày 2/8 tới để xem liệu người đứng đầu ECB có hành động như ông đã tuyên bố hay không.

Kể từ khi khủng hoảng nợ công bùng nổ trong Khu vực đồng euro cách đây 2 năm rưỡi, ECB thường được ca ngợi là định chế duy nhất ở châu Âu có thể hành động nhanh chóng và kiên quyết nhằm ngăn chặn bất kỳ sự hỗn loạn nào. Định chế này từng giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,75% và hỗ trợ nhiều ngân hàng số tiền lên tới hơn 1.000 tỷ euro (1.230 tỷ USD) với mức lãi suất cực thấp nhằm kích thích cho vay và giữ cho nền kinh tế khu vực phát triển đúng hướng.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso kêu gọi Hy Lạp thực hiện các cam kết đã đưa ra nếu muốn tiếp tục ở lại Khu vực đồng euro.

Phát biểu trong buổi làm việc tại thủ đô Athens của Hy Lạp với lãnh đạo nước chủ nhà gồm Thủ tướng Antonis Samaras và Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras, ông Barroso cho rằng để duy trì lòng tin đối với các đối tác châu Âu và quốc tế, Hy Lạp cần chấm dứt sự chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết.

Ông nhấn mạnh lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước thành viên Khu vực đồng euro đã đặt điều kiện rõ ràng rằng Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại khu vực này chừng nào những cam kết mà Athens đưa ra được tôn trọng, đồng thời khẳng định người dân Hy Lạp sẽ không đơn độc trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chính phủ Hy Lạp một mặt chịu sức ép căng thẳng phải thực hiện chương trình cải cách cơ cấu, tư nhân hóa và các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước như những điều kiện bắt buộc để nhận được cứu trợ từ EU và IMF, mặt khác phải gồng mình tìm cách cải thiện cuộc sống của người dân sau hơn hai năm khủng hoảng.

Các cuộc tổng tuyển trước thời hạn và tổng tuyển cử lại, cùng với bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới những tháng vừa qua, là nguyên nhân khiến Hy Lạp chậm trễ trong việc thực hiện các chương trình này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục