Chủ tịch EP nói châu Âu không công nhận tuyên bố độc lập của Catalonia

Chủ tịch EP Antonio Tajani khẳng định châu Âu lo ngại về sự gia tăng các quốc gia nhỏ và đó là lý do không thành viên nào tại Lục địa Già muốn công nhận Catalonia độc lập.
Chủ tịch EP nói châu Âu không công nhận tuyên bố độc lập của Catalonia ảnh 1Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani ngày 22/10 cho rằng châu Âu "lo ngại" về tình trạng gia tăng các quốc gia nhỏ trong bối cảnh vùng Catalonia của Tây Ban Nha hồi đầu tháng trước tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập và mới nhất là hai vùng Lombardy và Veneto, miền Bắc Italy, tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để yêu cầu chính quyền trung ương trao thêm quyền tự trị.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero tại Rome (Italy), Chủ tịch Tajani khẳng định châu Âu "dĩ nhiên lo ngại" về sự gia tăng các quốc gia nhỏ và đó là lý do không thành viên nào tại Lục địa Già muốn công nhận Catalonia độc lập.

[Thủ hiến Catalonia phản đối giải tán chính quyền khu vực]

Ông nhấn mạnh trong lịch sử Tây Ban Nha là một quốc gia thống nhất với nhiều khu vực tự trị và nhiều dân tộc với những ngôn ngữ khác nhau. Chủ tịch EP tuyên bố việc chia nhỏ các nước không phải và không thể là cách có thể củng cố sức mạnh của châu Âu.

Ông nói thêm rằng ngay cả Thủ tướng Anh Theresa May, người vốn ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, cũng tuyên bố London không bao giờ công nhận Catalonia độc lập. Ông Tajani tái khẳng định cuộc trưng cầu ý dân tại Catalonia là vi hiến.

Liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân diễn ra tại Lombardy, trong đó có thành phố Milan và Veneto, trong đó có Venice, Chủ tịch Tajani đánh giá 2 sự kiện tại Italy này hoàn toàn khác với Catalonia. Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 22/10, người dân vùng Lombardy và Veneto đã bỏ phiếu yêu cầu chính quyền trung ương trao thêm quyền tự trị.

Đây là hai địa phương do đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) điều hành, đảng đã từng công khai ý định ly khai.

Đảng LN muốn sử dụng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc với chính quyền trung ương này nhằm tạo lợi thế trong đàm phán về một sự sắp xếp tài chính tốt hơn, theo đó khiến Rome cho phép 2 vùng này sẽ được giữ lại nhiều thuế hơn cũng như có thêm quyền trong các lĩnh vực như nhập cư, an sinh, giáo dục và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục