Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tối 22/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi (G20).
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần này có Tổng thống Vladimir Putin của Nga, các Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc, Fumio Kishida của Nhật Bản, Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Justin Trudeau của Canada, Anthony Albanese của Australia và Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil… cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế khác.
Mục đích của Hội nghị Thượng đỉnh lần này là để xem xét tiến độ về các đề xuất chính sách và mục tiêu được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 thường niên được tổ chức tại New Delhi vào tháng Chín vừa qua, đồng thời xác định cách thức đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi đã bày tỏ lòng biết ơn và nêu bật những thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ trong năm qua.
Ông đã đề cập đến nhiều chủ đề, nhấn mạnh tính toàn diện, hợp tác và giải quyết các thách thức mới nổi.
Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh cam kết của G20 về tính toàn diện khi đồng loạt nhất trí vai trò thành viên chính thức của Liên minh châu Phi (AU) tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối hồi tháng Chín vừa qua, qua đó thể hiện thông điệp đoàn kết và hợp tác.
Điều này cũng cho thấy mong muốn của Ấn Độ khuếch đại tiếng nói của khu vực Nam Bán cầu.
Ông Putin: Định dạng G20 là cấu trúc quan trọng trong quản trị kinh tế
Tổng thống Putin nhấn mạnh tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay cần có những giải pháp mang tính tập thể, đồng thuận và định dạng G20 là một cấu trúc quan trọng trong quản trị kinh tế.
Trước những thách thức toàn cầu hiện nay, Thủ tướng Modi hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Gaza dự kiến cho phép thả hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các quốc gia giàu có và đang phát triển hàng đầu hợp tác để đảm bảo xung đột Israel-Hamas không lan rộng.
Ông cho rằng cần phải có giải pháp chung, đồng thời lên án chủ nghĩa khủng bố và nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ nhân đạo cũng như nỗ lực vì hòa bình.
Trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được chú trọng, Thủ tướng Modi ủng hộ việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm và đề xuất thành lập quy định toàn cầu về AI.
Theo ông, “hiểu được mức độ nghiêm trọng của DeepFake, mức độ nguy hiểm của nó đối với xã hội và đối với mỗi cá nhân, chúng ta phải tiến lên phía trước. Chúng tôi muốn AI đến được với mọi người và nó phải an toàn cho xã hội.”
Ông thông báo Ấn Độ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác AI toàn cầu vào tháng 12 tới, kêu gọi quốc tế ủng hộ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi đã đề xuất thành lập Quỹ tác động xã hội để triển khai Cơ sở hạ tầng Công cộng Kỹ thuật Số tại các quốc gia thuộc Nam Bán cầu.
Ông cho biết Ấn Độ ủng hộ số tiền ban đầu số tiền ban đầu là 25 triệu USD, đồng thời kêu gọi các quốc gia tích cực ủng hộ quỹ này.
Thủ tướng Modi cho biết khu vực Nam Bán cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: nghèo đói, bất bình đẳng và các thách thức về môi trường. Theo đó, ông kêu gọi cải cách khẩn cấp cơ cấu quản trị và kinh tế toàn cầu để giải quyết tốt hơn những vấn đề nêu trên.
Bảo tồn môi trường chiếm vị trí trung tâm với các cuộc thảo luận về khái niệm và sáng kiến Tín dụng Xanh như Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu và phong trào Lối sống vì Môi trường toàn cầu (Mission LiFE).
G20 đã công nhận tầm quan trọng của hydro sạch và tăng cường tài chính cho khí hậu, với các bước đi cụ thể được mong đợi tại COP-28 được tổ chức ở Các tiểu vương Arab thống nhất (UAE).
Bế mạc hội nghị, Thủ tướng Modi bày tỏ tin tưởng rằng G20 sẽ tiếp tục tiến lên với cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” trong năm Chủ tịch G20 của Brazil kể từ ngày 1/12/2023 và các thành viên của nhóm sẽ ưu tiên cho vấn đề an ninh lương thực, y tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng G20 sẽ tiếp tục hoạt động vì sự mong đợi của khu vực Nam Bán cầu./.