Chủ tịch Hãng thông tấn AP: "Chẳng có cuộc chiến nào dễ chịu cả"

Lịch sử được tái hiện bằng hình ảnh, nỗi đau từ cả hai phía cũng được lột tả chân thực bằng hình ảnh, và có lẽ, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ cho những ai đã từng đi qua cuộc chiến khốc liệt.
Chủ tịch Hãng thông tấn AP: "Chẳng có cuộc chiến nào dễ chịu cả" ảnh 1Một học sinh xúc động trước bức hình chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, của Malcolm Browne chụp ngày 11/6/1963.

Nhìn vào những bức hình tại triển lãm “Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh” của Hãng thông tấn AP, là niềm tự hào trào dâng, nhưng cũng xót xa và rưng rưng xúc động, dẫu rằng thế hệ chúng tôi lớn lên khi tiếng súng đã lùi xa.

Lịch sử đang được tái hiện bằng hình ảnh, nỗi đau từ cả hai phía cũng đang được lột tả chân thực bằng hình ảnh, và có lẽ, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ cho những ai đã từng đi qua cuộc chiến khốc liệt.

Giữa không gian triển lãm thiêng liêng khi đã tái hiện lại một Việt Nam anh hùng, bất khuất trong quá khứ, vừa khai mạc sáng nay (12/6), tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng thông tấn AP cho báo giới biết AP đã quyết định trao tặng những bức ảnh này cho Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam.

“Chẳng có cuộc chiến nào dễ chịu”

- Vì sao AP lại quyết định trao những bức ảnh trong triển lãm này cho Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam, thưa ông?

Ông Gary Pruitt: Vâng, AP quyết định tặng lại những bức ảnh này cho Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam vì chúng tôi nghĩ những bức ảnh này nên ở lại Việt Nam, để có nhiều người hơn biết về chúng, nhiều người hơn có thể đến xem. Vì triển lãm chỉ diễn ra trong hai tuần nên chắc chắn sẽ có những người không kịp đến xem trong thời gian đó.

Chúng tôi muốn chia sẻ rộng rãi hơn những bức ảnh tới công chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế đến Việt Nam.

- Có lẽ, sự hy sinh không chỉ đến từ một phía, bởi các phóng viên chiến trường của AP trong những cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng đã phải sống chết với những bức hình của mình…

Chủ tịch Hãng thông tấn AP: "Chẳng có cuộc chiến nào dễ chịu cả" ảnh 2Bức hình của Horst Fass chụp Thượng sỹ không quân Lyle Goodin vác thi thể một phụ nữ bán hàng rong lớn tuổi bị trúng bom trên đường Hàm Nghi, gần Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, ngày 30/3/1965.

Ông Gary Pruitt: AP luôn luôn cử các phóng viên của mình tới mọi hiện trường, mọi các cuộc xung đột cũng như chiến tranh trên khắp toàn cầu. Và ở Việt Nam cũng vậy, chúng tôi cũng đã cử những phóng viên ảnh tới ghi lại cuộc chiến của các bạn. Những bức ảnh này đã có tác động lớn.

Trong số những phóng viên được cử đi của chúng tôi đã có rất nhiều phóng viên hy sinh. Như Nick Út cũng đã nói rằng anh trai của ông cũng đã hy sinh trong chiến tranh. Mặc dù đây là công việc vô cùng nguy hiểm nhưng lại không thể không làm.

Chúng tôi luôn luôn cố gắng phản ánh chiến tranh một cách chính xác, chân thực nhất. Có những thời gian AP đưa ra những bức hình gây tranh cãi, bị dư luận thế giới phản ánh rằng chiến tranh sao mà tàn khốc thế. Tuy nhiên, như các bạn đã biết, chẳng có cuộc chiến nào là dễ chịu cả, chúng tôi chỉ muốn đưa những hình ảnh chân thực nhất và nhanh nhất về những cuộc chiến mà thôi.

Nick Út – anh hùng có thực giữa đời thường

- Cảm nhận của ông thế nào về Nick Út, phóng viên nổi tiếng thế giới với bức ảnh “Em bé Napalm”?

Ông Gary Pruitt: Chúng ta biết rằng Nick Út là một anh hùng, một anh hùng có thực giữa đời thường. Nick Út đã tham gia đưa tin cho AP từ những năm ông còn là thiếu niên và sau đó trở thành một thành viên của AP.

Nick Út đã hàng ngày, hàng giờ đi khắp nơi trên thế giới để đưa tin và đến nay vẫn tiếp tục làm cho AP ở Los Angeles. Giờ đây, ông cũng đã quay trở lại Hà Nội, ở sự kiện này, như một người anh hùng. Nick Út từng rất nổi tiếng với bức ảnh “Em bé Napalm.” Bức ảnh đó tôi nghĩ có tác động và sức ảnh hưởng lớn nhất trong số tất cả những bức ảnh chụp thời chiến.

Có thể chúng ta thấy rằng Nick Út hơi thấp một chút nhưng những bức ảnh của ông đều là những tác phẩm tỏa sáng.

Chủ tịch Hãng thông tấn AP: "Chẳng có cuộc chiến nào dễ chịu cả" ảnh 3Bức hình của Sal Veder chụp Thượng tá Robert L. Stirm trong phút đoàn tụ với gia đình sau 5 năm rưỡi bị bắt làm tù bình chiến tranh, ngày 17/3/1973. Bức ảnh sau đó đã giành giải Pulitzer cho ảnh phóng sự năm 1974.

- Không chỉ bức ảnh đó có sức ảnh hưởng mà cuốn sách “Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh” Hãng AP xuất bản trong thời gian gần đây cũng rất gây tiếng vang. Xin ông cho biết, cuốn sách đã được phổ biến ra bao nhiêu quốc gia và ông đánh giá mức ảnh hưởng có nó thế nào?

Ông Gary Pruitt: Cuốn sách đã phải tái bản rất nhiều lần và nó thành công hơn cả mong đợi của chúng tôi. Cuốn sách ảnh đó đã được xuất bản ở Mỹ, châu Âu và hiện nay là ở châu Á. Cuốn sách là những phản ánh chân thực nhất về chiến tranh.

- Ông nghĩ như thế nào về tác động của những bức ảnh trong cuốn sách đó?

Ông Gary Pruitt: Chiến tranh không phải là những “viên đạn bọc đường.” Ở đây có những nỗi đau khổ, sự chịu đựng và cũng như Nick Út nói rằng có rất nhiều các phóng viên chiến trường đã phải hy sinh trong những cuộc chiến. Nick Út cũng từng bị thương ba lần, tưởng không sống nổi.

Chúng tôi, AP, ở bất cứ đâu, trong bất kỳ tình huống nào, luôn phản ánh những sự thật và sự thật chân thực nhất của chiến tranh.

- Vì sao AP lại quyết định triển lãm vào thời điểm này ở Việt Nam, thưa ông?

Ông Gary Pruitt: Triển lãm được tổ chức là tiếp tục của việc chúng tôi đã xuất bản cuốn sách “Việt Nam: Chiến tranh qua ảnh” cách đây hai năm. Thêm vào đó, một trong những lý do chúng tôi chọn tổ chức triển lãm vào năm nay là vì Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ đóng góp cho mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ và cũng hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày vàng phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục