Nhân dịp đầu năm mới 2016, phóng viên TTXVN có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Võ Ngọc Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về phát triển kinh tế-xã hội nhằm đảm bảo mức tăng trưởng ổn định và bền vững.
- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức chung của đất nước, trên cơ sở phấn đấu đảm bảo mức tăng trưởng ổn định và bền vững, xin ông cho biết một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong năm 2016?
- Ông Võ Ngọc Thành: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020.
Tỉnh Gia Lai đang nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7,5% trở lên; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên cơ sở phát huy lợi thế ngành nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 17.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 3.500 tỷ đồng (tăng 11,97%); kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD (tăng 24%).
Tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chẩn nông thôn mới trong những năm qua là 31 xã; số lao động được tạo việc làm mới 24.500 người, trong đó có 43% số lượng qua đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 10,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015).
- Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu này, xin ông cho biết những giải pháp mang tính căn cơ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt kết quả tốt nhất?
- Ông Võ Ngọc Thành: Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2016, trong đó tập trung vào một số giải pháp mang tính quyết định, tạo động lực phát triển nền kinh tế ổn định và bền vững.
Đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm đảm bảo sát thực tế, có tính khả thi cao; rà soát loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp và không có khả năng thực hiện.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nhất là nông nghiệp, nông thôn. khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm, thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thật sự hiệu quả; tập trung các nguồn lực lồng ghép đầu tư cho chương trình, chú trọng đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt.
Gia Lai khuyến khích phát triển các ngành, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; phát triển mạnh một số ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ; ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản (theo hướng tinh và sâu), công nghiệp sinh học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu-cụm công nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng và các khu vực nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước một cách chủ động, tích cực; đẩy mạnh công tác thu ngân sách đồng thời triển khai quyết liệt công tác thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách, thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phân bổ chi ngân sách Nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
- Người dân trên địa bàn hy vọng sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền mang lại niềm vui-niềm tin cho cộng đồng, xin ông đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015?
- Ông Võ Ngọc Thành: Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai trong năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu chủ yếu. Tổng sản phẩm GRDP đạt hơn 33.700 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 7,44% so với năm 2014; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/năm/người. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, bước đầu tập trung đầu tư theo hướng phát triển bền vững; năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với năm 2014. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện với các giải pháp then chốt, đến cuối năm 2015 có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 9.500 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 15.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 310 triệu USD.
Tuy nhiên, trong năm 2015 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn; quy mô các doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm. Khô hạn xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; tình hình vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác "xóa đói giảm nghèo" tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa bền vững...
- Xin cám ơn ông./.