Chiều 6/2, sau một tuần tổ chức đổi giờ học, giờ làm để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp ghi nhận ý kiến của các ngành liên quan.
Đại diện các ban ngành đều đưa ra nhận định tình hình ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó mà cho rằng nguyên nhân giảm ùn tắc là do đổi giờ là chưa có cơ sở.
Thậm chí, theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông, các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, nhưng lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông thường.
Xuất hiện ùn tắc trái quy luật
Sau khi tiến hành đổi giờ học, giờ làm, tình hình giao thông tại một số tuyến phố thường xuyên ùn tắc của Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 8 giờ, tại các tuyến phố chúng tôi khảo sát hầu như không xảy ra ùn tắc như đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Láng Hạ, Láng…
Tuy nhiên, đến thời điểm 8 giờ, lưu lượng phương tiện qua các tuyến trên bắt đầu tăng, tình trạng ùn ứ lại xuất hiện, đặc biệt qua các nút giao có đèn tín hiệu như một số tuyến phố, như toàn tuyến đường Phạm Ngọc Thách đã tắc nghẽn hoàn toàn; hay trên đường Láng đoàn xe cũng xếp hàng dài khoảng 1km, từ đầu đường Láng gần Ngã Tư Sở tới nút giao Láng – Láng Hạ.
Theo đánh giá của lực lượng Cánh sát giao thông trực chốt trên đường Trường Chinh, từ khi đổi giờ tới nay, tuyến đường này đã không còn tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn vào buổi sáng. Tuy nhiên, về chiều tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra, thậm chí còn kéo dài hơn thời điểm chưa đổi giờ.
“Khi chưa đổi giờ, đường này chỉ ùn ứ hơn 1 tiếng đồng hồ, từ khoảng 17 giờ 30 tới 18 gờ 30. Nhưng từ ngày đổi giờ, thời gian ùn ứ kéo dài tới tầm 20 giờ mới hết. Vì vào buổi chiều phát sinh nhiều chuyến đi hơn, chưa đổi giờ người ta đi làm về tiện thể sẽ đón con hơn, nhưng giờ có khi bố mẹ đi làm về nấu ăn xong thì mới vòng đi đón con,” một chiến sỹ cảnh sát giao thông nói.
Vào giờ tan học, tại các điểm trường, phụ huynh học sinh đứng tràn cả ra lòng đường “ngóng” mắt đón con đã tạo ra các điểm ùn tắc cục bộ mới.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội, những ngày đầu thực hiện đổi giờ học, không xảy ra tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường truyền thống tắc nghẽn. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó mà cho rằng nguyên nhân giảm ùn tắc là do đổi giờ làm là chưa có cơ sở.
“Các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, tuy nhiên lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông thường như tại các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Thụy Khuê... Nguyên nhân của các điểm ùn tắc mới này là do phụ huynh học sinh đưa và đón con tại các trường tập trung quá đông,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Kim, Phó Trưởng Công an huyện Từ Liêm phân tích mật độ lưu thông tại địa bàn quản lý, gần một tuần qua giao thông có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là do hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều.
"Sinh viên hiện nay vẫn chưa lên hết, công nhân thì mới trở lại 30 - 40% so với trước tết. Vì vậy để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội," ông Kim nói.
Để tháo gỡ thực tế này, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội đề nghị cần bố trí các điểm riêng để phụ huynh học sinh đưa đón con em nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông tại cổng trường, gây ùn tắc.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Theo đánh giá chủ quan của tôi, đổi giờ chỉ là một trong những biện pháp để giảm ùn tắc, chứ hết ùn tắc là điều không thể. Dù sao, sau khi đổi giờ, giờ cao điểm được giãn ra 3 tiếng buổi sáng và 3 tiếng buổi chiều, thay cho 2 tiếng cao điểm như trước đây, nên lượng phương tiện được giãn ra.”
Trao đổi với báo chí vào chiều nay (6/2), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết: “Sau một tuần tiến hành đổi giờ học, giờ làm trên các tuyến đường, tình trạng ùn tắc thì không xảy ra nhưng buổi sáng vẫn có ùn ứ. Chiều thì ùn tắc có xảy ra nhưng đỡ hơn trước. Việc đổi giờ bước đầu có kết quả nhưng chưa thể có đánh giá, tổng kết về hiệu quả và tác động của nó. Phải khi nào sinh viên lên thành phố đầy đủ sẽ có báo cáo chi tiết hơn.”
Cần được điều chỉnh
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng quản lý công tác học sinh - sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, sau 5 ngày thực hiện đổi giờ, Sở đã có đoàn kiểm tra và phát hiện những ảnh hưởng của việc này đến các trường có một số điểm chưa hợp lí cần được điều chỉnh.
Ông Nhật đưa ra dẫn chứng, trước hết, ở các trường tiểu học và mầm non, giờ lao động của giáo viên tăng lên do ngoài giờ dạy còn phát sinh thêm giờ đón và trông học sinh lúc sáng sớm và sau tan học. Ở Trung học cơ sở là hiện tượng lộn xộn do thời gian giữa hai ca sáng chiều quá ngắn (chỉ 15 phút). Còn với bậc Trung học phổ thông tan lúc 19 giờ là quá muộn, các trường không thể duy trì giờ học như quy định. Ngoài ra, các khoản chi phí cũng tăng lên do phải thắp sáng, nước sạch, bảo vệ...
“Theo khung giờ quy định, ca học chiều sẽ kết thúc vào lúc 19 giờ. Theo lịch học của các trường, sau khi kết thúc thời gian học văn hóa mới tiến hành học các môn khác như Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng... Nếu phải học các môn này trong điều kiện thời gian như thế là không đảm bảo,” ông Nhật cho hay.
Cũng theo ông Nhật, khung giờ học như hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề quan ngại về an ninh và lịch sinh hoạt của những học sinh phải học ở xa.
“Ở những vùng ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, học sinh phải đi xe đạp qua quãng đường vắng không đèn đường rất nguy hiểm. Giáo viên cũng chịu tác động bởi rất nhiều người phải nuôi con nhỏ, họ không biết tìm đâu chỗ gửi con cho đến 7 giờ tối,” ông Nhật chia sẻ.
"Dù những khó khăn đã nhìn thấy rõ, nhưng chúng tôi nghiêm cấm các trường không được thu thêm một khoản nào hết. Ngành giáo dục Thủ đô vẫn sẽ thực hiện nghiêm chỉnh việc đổi giờ học, cùng với thành phố giải quyết bài toán ùn tắc giao thông," ông Nhật khẳng định.
Tham dự hội nghị, đại diện các trường đại học cũng cho rằng sẽ cố gắng để thực hiện nghiêm túc quy định của thành phố song "xin” được kết thúc ca chiều lúc 18 giờ.
Đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ cho biết, hiện nay 90% cơ sở vật chất cố định của trường đang sử dụng thông qua việc sắp xếp lịch học 3 ca mỗi ngày. Điều này nhằm đảm bảo tiền lương cho giáo viên và khấu hao tài sản cố định. Nếu như thực hiện đúng quyết định tan học ca chiều vào 19 giờ, trường không thể xếp lịch 3 ca và chi phí đào tạo mỗi sinh viên tăng khoảng 30% so với hiện tại.
"Chúng tôi kiến nghị xin được kết thúc buổi học chiều lúc 18 giờ để kịp học ca thứ 3", vị đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ nói.
Ông Nhật cho biết thêm: “Hiện nay, một số trường đã có văn bản đề nghị Sở cho phép tự điều chỉnh, đề ra khung giờ riêng cho phù hợp với tình hình riêng nhưng chúng tôi chưa cho phép.”/.
Đại diện các ban ngành đều đưa ra nhận định tình hình ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó mà cho rằng nguyên nhân giảm ùn tắc là do đổi giờ là chưa có cơ sở.
Thậm chí, theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông, các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, nhưng lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông thường.
Xuất hiện ùn tắc trái quy luật
Sau khi tiến hành đổi giờ học, giờ làm, tình hình giao thông tại một số tuyến phố thường xuyên ùn tắc của Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 8 giờ, tại các tuyến phố chúng tôi khảo sát hầu như không xảy ra ùn tắc như đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Láng Hạ, Láng…
Tuy nhiên, đến thời điểm 8 giờ, lưu lượng phương tiện qua các tuyến trên bắt đầu tăng, tình trạng ùn ứ lại xuất hiện, đặc biệt qua các nút giao có đèn tín hiệu như một số tuyến phố, như toàn tuyến đường Phạm Ngọc Thách đã tắc nghẽn hoàn toàn; hay trên đường Láng đoàn xe cũng xếp hàng dài khoảng 1km, từ đầu đường Láng gần Ngã Tư Sở tới nút giao Láng – Láng Hạ.
Theo đánh giá của lực lượng Cánh sát giao thông trực chốt trên đường Trường Chinh, từ khi đổi giờ tới nay, tuyến đường này đã không còn tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn vào buổi sáng. Tuy nhiên, về chiều tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra, thậm chí còn kéo dài hơn thời điểm chưa đổi giờ.
“Khi chưa đổi giờ, đường này chỉ ùn ứ hơn 1 tiếng đồng hồ, từ khoảng 17 giờ 30 tới 18 gờ 30. Nhưng từ ngày đổi giờ, thời gian ùn ứ kéo dài tới tầm 20 giờ mới hết. Vì vào buổi chiều phát sinh nhiều chuyến đi hơn, chưa đổi giờ người ta đi làm về tiện thể sẽ đón con hơn, nhưng giờ có khi bố mẹ đi làm về nấu ăn xong thì mới vòng đi đón con,” một chiến sỹ cảnh sát giao thông nói.
Vào giờ tan học, tại các điểm trường, phụ huynh học sinh đứng tràn cả ra lòng đường “ngóng” mắt đón con đã tạo ra các điểm ùn tắc cục bộ mới.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội, những ngày đầu thực hiện đổi giờ học, không xảy ra tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường truyền thống tắc nghẽn. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó mà cho rằng nguyên nhân giảm ùn tắc là do đổi giờ làm là chưa có cơ sở.
“Các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, tuy nhiên lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông thường như tại các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Thụy Khuê... Nguyên nhân của các điểm ùn tắc mới này là do phụ huynh học sinh đưa và đón con tại các trường tập trung quá đông,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Kim, Phó Trưởng Công an huyện Từ Liêm phân tích mật độ lưu thông tại địa bàn quản lý, gần một tuần qua giao thông có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là do hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều.
"Sinh viên hiện nay vẫn chưa lên hết, công nhân thì mới trở lại 30 - 40% so với trước tết. Vì vậy để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội," ông Kim nói.
Để tháo gỡ thực tế này, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội đề nghị cần bố trí các điểm riêng để phụ huynh học sinh đưa đón con em nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông tại cổng trường, gây ùn tắc.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Theo đánh giá chủ quan của tôi, đổi giờ chỉ là một trong những biện pháp để giảm ùn tắc, chứ hết ùn tắc là điều không thể. Dù sao, sau khi đổi giờ, giờ cao điểm được giãn ra 3 tiếng buổi sáng và 3 tiếng buổi chiều, thay cho 2 tiếng cao điểm như trước đây, nên lượng phương tiện được giãn ra.”
Trao đổi với báo chí vào chiều nay (6/2), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết: “Sau một tuần tiến hành đổi giờ học, giờ làm trên các tuyến đường, tình trạng ùn tắc thì không xảy ra nhưng buổi sáng vẫn có ùn ứ. Chiều thì ùn tắc có xảy ra nhưng đỡ hơn trước. Việc đổi giờ bước đầu có kết quả nhưng chưa thể có đánh giá, tổng kết về hiệu quả và tác động của nó. Phải khi nào sinh viên lên thành phố đầy đủ sẽ có báo cáo chi tiết hơn.”
Cần được điều chỉnh
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng quản lý công tác học sinh - sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, sau 5 ngày thực hiện đổi giờ, Sở đã có đoàn kiểm tra và phát hiện những ảnh hưởng của việc này đến các trường có một số điểm chưa hợp lí cần được điều chỉnh.
Ông Nhật đưa ra dẫn chứng, trước hết, ở các trường tiểu học và mầm non, giờ lao động của giáo viên tăng lên do ngoài giờ dạy còn phát sinh thêm giờ đón và trông học sinh lúc sáng sớm và sau tan học. Ở Trung học cơ sở là hiện tượng lộn xộn do thời gian giữa hai ca sáng chiều quá ngắn (chỉ 15 phút). Còn với bậc Trung học phổ thông tan lúc 19 giờ là quá muộn, các trường không thể duy trì giờ học như quy định. Ngoài ra, các khoản chi phí cũng tăng lên do phải thắp sáng, nước sạch, bảo vệ...
“Theo khung giờ quy định, ca học chiều sẽ kết thúc vào lúc 19 giờ. Theo lịch học của các trường, sau khi kết thúc thời gian học văn hóa mới tiến hành học các môn khác như Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng... Nếu phải học các môn này trong điều kiện thời gian như thế là không đảm bảo,” ông Nhật cho hay.
Cũng theo ông Nhật, khung giờ học như hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề quan ngại về an ninh và lịch sinh hoạt của những học sinh phải học ở xa.
“Ở những vùng ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, học sinh phải đi xe đạp qua quãng đường vắng không đèn đường rất nguy hiểm. Giáo viên cũng chịu tác động bởi rất nhiều người phải nuôi con nhỏ, họ không biết tìm đâu chỗ gửi con cho đến 7 giờ tối,” ông Nhật chia sẻ.
"Dù những khó khăn đã nhìn thấy rõ, nhưng chúng tôi nghiêm cấm các trường không được thu thêm một khoản nào hết. Ngành giáo dục Thủ đô vẫn sẽ thực hiện nghiêm chỉnh việc đổi giờ học, cùng với thành phố giải quyết bài toán ùn tắc giao thông," ông Nhật khẳng định.
Tham dự hội nghị, đại diện các trường đại học cũng cho rằng sẽ cố gắng để thực hiện nghiêm túc quy định của thành phố song "xin” được kết thúc ca chiều lúc 18 giờ.
Đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ cho biết, hiện nay 90% cơ sở vật chất cố định của trường đang sử dụng thông qua việc sắp xếp lịch học 3 ca mỗi ngày. Điều này nhằm đảm bảo tiền lương cho giáo viên và khấu hao tài sản cố định. Nếu như thực hiện đúng quyết định tan học ca chiều vào 19 giờ, trường không thể xếp lịch 3 ca và chi phí đào tạo mỗi sinh viên tăng khoảng 30% so với hiện tại.
"Chúng tôi kiến nghị xin được kết thúc buổi học chiều lúc 18 giờ để kịp học ca thứ 3", vị đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ nói.
Ông Nhật cho biết thêm: “Hiện nay, một số trường đã có văn bản đề nghị Sở cho phép tự điều chỉnh, đề ra khung giờ riêng cho phù hợp với tình hình riêng nhưng chúng tôi chưa cho phép.”/.
Việt Hùng (Vietnam+)