Chung cư vừa sử dụng một năm đã tồi tàn xập xệ

Mặc dù mới được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, khu chung cư CT2 Mễ Trì Thượng đã “lâm nguy.”
Mặc dù mới được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, khu chung cư CT2 Mễ Trì Thượng đã “lâm nguy” với một loạt công trình xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng. Bức xúc trước chất lượng nhà tồi tệ, mới đây, cộng đồng dân cư đã họp nhau, “tố” chủ đầu tư về một loạt các sai phạm. Tuy nhiên, những gì họ nhận được chỉ là sự im lặng kéo dài của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68). Thảm hại như chung cư CT2 Được giao nhà từ cuối năm 2009, nhưng đến khoảng tháng 5/2010, các hộ mới rục rịch về ở. Tính từ thời gian đó đến nay mới được hơn một năm sử dụng, hàng chục hộ dân tại đây đã phải rùng mình khi chứng kiến căn nhà của mình ngày một tồi tàn. Anh Khanh, đại diện cộng đồng dân cư vừa dẫn chúng tôi "men" theo hệ thống cầu thang đã sứt mẻ như từng được sử dụng cả chục năm, vừa ngao ngán bảo đã không biết bao lần, người dân ở đây hụt chân vì những miếng sứt to bằng cả bàn tay người lớn. Án ngữ ngay dưới chân cầu thang duy nhất dẫn lên tòa nhà là một tủ điện cỡ lớn đang “há miệng” mà không hề được khóa hay có cảnh báo nguy hiểm. Hàng ngày, không ít cháu nhỏ vẫn chơi đùa xung quanh khu vực này. “Những lúc có người lớn ở nhà, chúng tôi còn nhắc nhở được các cháu. Nhưng, ai nấy cũng lo nơm nớp vì mối nguy hiểm nằm ngay dưới chân cầu thang nhà mình,” anh Khanh thẳng thắn.


Hộp điện không có khóa cũng không có cảnh báo nguy hiểm (Ảnh: Xuân Dũng/Vietnam+)

Không chỉ vậy, bước vào các căn hộ, chúng tôi mới thực sự “rùng mình” vì hầu hết các hạng mục đã xuống cấp ở mức đáng báo động. Tại căn hộ số 208, do việc thi công ẩu nên ống nước ngầm đã bị vỡ. Ngày ngày, nước vẫn chảy vào nhà khiến gia chủ buộc phải mang cả xô chậu ra để hứng. Quá ngán ngẩm với chất lượng chung cư như nhà thời bao cấp, cuối cùng chủ hộ đã phải tự bỏ tiền tu sửa lại. Tại nhiều căn hộ, tường cũng bị thấm dột, ẩm ướt và bong tróc nghiêm trọng. Thậm chí, có những vết nứt khá dài chạy dọc khiến mọi người rất lo ngại về mức độ an toàn của cả công trình. Bi hài hơn, có những câu chuyện mà kể ra, nhiều người cũng chẳng thể tin nó có thể xảy ra ở chung cư nằm ở ngay giữa lòng thủ đô. Anh Khanh bảo, đã có lần, hàng chục người ngay giữa đêm khuya đã phải náo loạn truy tìm nguyên nhân hệ thống nước thải bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Sau cả tiếng đồng hồ lần mò, mọi người mới không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến một lớp bêtông cả nửa mét bịt kín đường ống. Cả đêm hôm ấy, từ người già người trẻ phải huy động nhau hì hụi cưa đoạn “ống bê tông” để khắc phục tạm thời sự cố. Lại có chuyện, một anh thợ điện đen đủi khi đang lúi húi sửa đường dây thì bất ngờ bị điện giật té ngửa. Đến lúc này chủ nhà mới biết, hệ thống dây diện quanh nhà mình rất nhiều đoạn bị hỏng. “Thật không thể ngờ chỉ hơn một năm sử dụng mà chung cư CT2 lại có thể xuống cấp nhanh đến thế,” anh Khanh tâm sự. Không chỉ bức xúc với chất lượng công trình, các cư dân sinh sống tại đây còn tố chủ đầu tư đã không tôn trọng cam kết trong hợp đồng mua bán nhà. Cụ thể, bản thuyết minh sử dụng vật liệu công trình của CT2 ghi: “cửa gỗ nhóm II sơn bả nước, chân tường ốp gạch cao 10 cm, bình nóng lạnh sử dụng sản phẩm Italy, tay vịn cầu thang bằng gỗ…” nhưng trên thực tế, toàn bộ các căn hộ đều không có bình nóng lạnh, cửa gỗ nhóm II được thay bằng gỗ tạp, không có gạch ốp chân tường, tay vịn gỗ “biến” thành sắt… Nhiều người dân tại đây cho biết thêm, theo thiết kế ban đầu được duyệt, một nửa tầng một của nhà CT2 là nhà để xe máy, phòng sinh hoạt cộng đồng của dân cư trong tòa nhà và phòng bảo vệ. Song thực tế trong vòng 6 tháng trở lại đây, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 đã sử dụng một nửa tầng một đó để làm văn phòng công ty. Ngay cả đường nội bộ của cư dân nơi tiếp giáp giữa CT2 và trường mầm non kế bên trở thành khu vực để xe. Điều này khiến trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa sẽ rất khó để tiếp cận với tòa nhà. Chất lượng kém vì đã được cư dân… thông cảm? Về chất lượng các thiết bị trong tòa nhà không đúng như trong hợp đồng, ông Trần Trung Thành, Tổng giám đốc Handico 68 thừa nhận: “Chúng tôi không trực tiếp thi công mà giao cho nhà thầu làm nên rất có thể trong quá trình thi công có nhiều vấn đề. Những khiếm khuyết có nhưng tôi tin không phải là cốt lõi.” Riêng về việc chất lượng, vật liệu trong căn hộ không đúng hợp đồng, ông Thành cho rằng, chủ đầu tư công trình không lắp bình nóng lạnh là do đã nhận được... sự “thông cảm” từ phía người dân. Theo ông Thành, từ khi khởi công cho đến khi bàn giao, trượt giá rất mạnh nhưng Công ty vẫn giữ nguyên giá cam kết là 4,8 triệu đồng/m2. “Để chia sẻ khó khăn với công ty, phía công ty đã được người dân thời điểm đó thỏa thuận sẽ chủ động lắp. Nhưng nếu hiện cư dân không đồng ý, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, trả lại chi phí cho các hộ dân mua nhà chính chủ tại đây,” ông Thành cho biết. Liên quan đến việc người dân “tố” công ty 68 chiếm dụng một nửa diện tích tầng 1 làm văn phòng, trong khi theo sơ đồ một nửa diện tích tầng 1 để làm bãi đỗ xe, ông Thành cho rằng, theo quyết định số 5274 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, tầng 1 này đã giao cho công ty cổ phần khi xác định giá trị doanh nghiệp. Do vậy, toàn bộ tầng này được tính vào giá trị nhà nước tại công ty cổ phần và đã được đem bán đấu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tại thời điểm cổ phần. Tuy nhiên, theo cộng đồng dân cư, thực tế, quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành năm 2007, tức là 2 năm sau khi hợp đồng mua bán nhà được ký kết.  Việc điều chỉnh quy hoạch tầng 1 mà không hề thông báo cho cư dân biết rõ như vậy là không thể chấp nhận được.  Ngay cả cách trả lời của ông Thành về các vấn đề khác cũng hoàn toàn không thỏa đáng. “Nếu không tìm được tiếng nói chung, chúng tôi sẽ tính đến việc khởi kiện Handico 68,” anh Khanh thẳng thắn. Dự kiến, trong tháng Mười hai tới, phía chủ đầu tư sẽ có buổi làm việc chính thức với cộng đồng dân cư CT2 để tìm hướng giải quyết cho những bức xúc tại đây./.
Xuân Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục