Chứng khoán châu Á chìm trong làn sóng bán tháo

Làn sóng bán tháo nhấn chìm các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 23/6, khi thông tin doanh số bán nhà hiện có của Mỹ bất ngờ sụt giảm trong tháng 5/2010 làm tăng những lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, và khi giới đầu tư mất dần sự lạc quan về chính sách đồng NDT linh hoạt mới của Trung Quốc.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 1,3% khi giới đầu tư ồ ạt bán ra các tài sản có độ rủi ro cao.
Làn sóng bán tháo nhấn chìm các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 23/6, khi thông tin doanh số bán nhà hiện có của Mỹ bất ngờ sụt giảm trong tháng 5/2010 làm tăng những lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, và khi giới đầu tư mất dần sự lạc quan về chính sách đồng NDT linh hoạt mới của Trung Quốc.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 1,3% khi giới đầu tư ồ ạt bán ra các tài sản có độ rủi ro cao.

Cổ phiếu của các công ty tài nguyên và ngân hàng dẫn đầu đà giảm giá trên thị trường do lo ngại rằng nhu cầu toàn cầu có thể đang sụt giảm, gây sức ép lên giá hàng hóa, nhưng cổ phiếu của các công ty khai thác vàng, như Newcrest Mining của Australia lại tăng 0,8%, khi giới đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trước làn sóng bán tháo trên các thị trường khác.

Hoạt động giao dịch trên các thị trường chứng khoán châu Á diễn ra khá uể oải, do giới đầu tư lo lắng về sức phục hồi của kinh tế Mỹ sau thông báo cho biết doanh số bán nhà hiện có của nước này trong tháng 5/2010 bất ngờ giảm 2,2%, trái ngược với dự đoán tăng 5% của các chuyên gia kinh tế.

Những thông tin đáng thất vọng này đã đẩy thị trường chứng khoán Phố Wall đi xuống trong phiên trước, với chỉ số Dow Jones bị giảm mạnh nhất trong khoảng hai tuần khi bị mất 149 điểm (1,4%) xuống 10.293,52 điểm.

Lorraine Tan, Giám đốc phụ trách nghiên cứu chứng khoán châu Á thuộc S&P ở Singapore, cho biết nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài hoạt động giao dịch do lo ngại về nguy cơ suy thoái kép của nền kinh tế toàn cầu.

Các số liệu kinh tế yếu kém nhắc người ta nhớ rằng bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ diễn ra với tốc độ chậm.

Đà tăng mạnh trong phiên 21/6 theo sau thông báo cuối tuần trước của Bắc Kinh sẽ cho phép đồng NDT lên giá gần như đã bị đuối sức khi thị trường nhận ra rằng trước mắt sẽ chưa thể có những thay đổi lớn trong chính sách kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc.

Chỉ số Nikkei-225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa phiên này giảm 189,19 điểm (1,87%) xuống 9.923,70 điểm - mức thấp nhất trong 1 tuần; Chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm 5,66 điểm 0,33% xuống 1.725,82 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Australia giảm 1,6% xuống 4.486,10 điểm.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng giảm 0,73%, sau khi Bắc Kinh quyết định ngừng việc giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, cùng với những biến động hạn chế của đồng NDT sau khi các nhà hoạch định chính sách cam kết sẽ nâng cao tính linh hoạt của đồng tiền này.

Chỉ số Shanghai Composite giảm 18,83 điểm (0,73%) xuống 2.569,87 điểm.

Phiên này, riêng chỉ có thị trường chứng khoán Hồng Công đảo ngược được xu hướng giảm điểm vào cuối phiên, khi giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động mua cổ phiếu giá rẻ sau khi thị trường có một phiên giảm mạnh.

Chỉ số Hang Seng tăng 37,53 điểm lên 20.856,61 điểm. Còn các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Singapore, Đài Loan và Ấn Độ đều giảm điểm./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục