Chứng khoán châu Á đi lên sau phiên tăng "khủng"

Chứng khoán châu Á trong phiên 3/1 vẫn chủ yếu đi lên, tuy có chút biến động trái chiều, sau khi đã tăng "khủng" trong phiên trước đó.
Một ngày sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận về vấn đề "vách đá tài chính," chứng khoán châu Á trong phiên 3/1 vẫn chủ yếu đi lên tuy có chút biến động trái chiều, sau khi đã tăng "khủng" trong phiên trước đó.

Sau phấn chấn dâng đầy trong phiên trước, nhà đầu tư lại bắt đầu lo ngại về các cuộc chiến sắp tới ở Washington, bởi khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nhằm tránh cho nước Mỹ khỏi nguy cơ va vào "vách đá tài chính," thì họ mới chỉ lùi thời điểm tự động cắt giảm chi tiêu công thêm hai tháng, thay vì chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2013.

Điều này có nghĩa là hầu như chắc chắn sẽ còn có một cuộc thương lượng nữa vào cuối tháng Hai tới để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về vấn để nâng trần nợ công, cũng đến cuối tháng Hai này là hết hạn, với nhận định của các chuyên gia là nước Mỹ có khả năng lại lặp lại một cuộc tranh cãi tương tự như cuộc tranh cãi hồi năm 2011 mà vì nó, mức xếp hạng tín dụng cao nhất của nước Mỹ đã lần đầu tiên bị hạ bậc.

Theo Richard England, giám đốc quỹ Atlanta Capital Management, việc Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận đạt được giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là một tiến triển tốt, song một cuộc chiến còn khó khăn hơn đang đợi nước Mỹ trong vòng 6-8 tuần tới, và khó mà có thể hình dung ra rằng thị trường sẽ biến động thế nào cho đến khi vấn đề trần nợ công của nước này được giải quyết.

Các nhà đầu tư hiện cũng còn đang chờ đợi số liệu về thị trường việc làm của Mỹ (sẽ công bố vào cuối ngày 4/1) để có được đánh giá chính xác hơn về thực trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trên thị trường tiền tệ, đồng yen phiên này lấy lại một phần nào những gì đã để mất so với đồng euro và đồng bạc xanh, song vẫn chịu sức ép đi xuống do những kỳ vọng của giới đầu tư vào những chính sách nới lỏng tiền tệ thêm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Đóng cửa phiên 3/1, các sàn chủ chốt trong khu vực vẫn chủ yếu đi lên, trong đó có Hang Seng của Hong Kong tiến thêm 0,37% (86,62 điểm) lên 23.398,60 điểm; S&P/ASX200 của Australia tăng 0,74% (34,8 điểm) lên 4.740,7 điểm - mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 5/2011; Weighted của Đài Loan tăng 0,74% (57,62 điểm) lên 7.836,84 điểm. Chỉ có KOSPI của Hàn Quốc là đỏ sàn khi trượt 0,58% về 2.019,41 điểm. Chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đóng cửa nghỉ lễ.

Trước đó, trong phiên ngày 2/1, phiên đầu tiên của năm mới 2013, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã hừng hực đi lên sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tránh cho nước Mỹ khỏi nguy cơ va vào "vách đá tài chính," trước khi chính sách tăng thuế và tiết giảm chi tiêu công tự động có hiệu lực, đe dọa đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi trở lại suy thoái.

Các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính-chứng khoán đã phấn khởi đón nhận diễn biến tích cực này khi với bước đi này, nền kinh tế số một thế giới thoát khỏi nguy cơ suy thoái trở lại, qua đó, thổi luồng sinh khí mới cho kinh tế toàn cầu.

Theo giới phân tích, việc các chính trị gia của nước Mỹ rốt cuộc cũng tìm được tiếng nói chung về vấn đề "vách đá tài chính" được xem như một bước tiến, dù chỉ là tạm thời, để nước này hướng tới một nền tài chính công đúng đắn, qua đó có thể khắc phục được tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ hàng năm.

Trước khi được Quốc hội Mỹ thông qua, vấn đề "vách đá tài chính" của Mỹ với hạn chót về ngân sách và tài khóa đã ám ảnh các thị trường tài chính trong suốt các tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12, do những lo ngại rằng nếu không giải quyết được vấn đề này, kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài khác.

Đóng cửa phiên đầu tiên của năm 2013, tại Mỹ, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm, với các mức tăng rất ngoạn mục, trong đó Dow Jones Industrial ghi thêm 308,41 điểm (2,35%) lên 13.412,55 điểm; S&P 500 lướt thêm 36,23 điểm (2,54%) lên 1.462,42 điểm - mức cao nhất của chỉ số này kể từ ngày 20/12/2011, và Nasdaq cũng leo lên 3.112,26 điểm, tăng tới 92,75 điểm (3,07%).

Tương tự tại châu Âu, các chỉ số chính của khu vực cũng đồng loạt tăng mạnh, trong đó FTSE 100 của London nhảy 2,20% lên 6.027,37 điểm; DAX 30 của Đức lướt 2,19% lên 7.778,78 điểm và CAC 40 của Pháp tiến 2,55% lên 3.733,93 điểm.

Các thị trường chủ chốt tại Khu vực Eurozone thậm chí còn tăng ấn tượng hơn, với Ibex-35 của Madrid (Tây Ban Nha) vọt 3,43%; FTSE Mib của Milan (Italy) cũng tăng tới 3,81%./.
   
Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục