Chứng khoán châu Á đã không tiếp tục được đà tăng đầy hứng khởi của 3 phiên liền trước và bắt đầu rơi trở lại vùng đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/6, khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng nỗi thất vọng về gói kích thích kinh tế mới (hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng lần 3 - QE3) chưa có cơ hội được triển khai tại Mỹ, đã khiến giới đầu tư thất vọng, làm át đi sự hưng phấn từ quyết định cắt giảm lãi suất (từ ngày 8/6) của Chính phủ Trung Quốc.
Tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ và các nhà đầu tư vào chiều muộn ngày 7/6, ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã không đả động gì tới gói kích thích QE3 mới mà thị trường đồn thổi trong suốt mấy ngày qua, mặc dù vẫn tỏ ra hết sức lo ngại về tốc độ phục hồi chậm chạp của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thị trường càng thêm thất vọng khi hãng xếp hạng tín dụng Fitch trong ngày 7/6 đã hạ tín nhiệm của Tây Ban Nha tới 3 bậc, từ A xuống BBB - chỉ trên mức "bỏ đi", đồng thời cảnh báo Tây Ban Nha có thể sẽ vẫn bị suy thoái trong năm nay và năm tới.
Động thái hạ bậc xếp hạng lần này của Fitch đẩy Madrid tiến gần hơn đến việc phải cầu cứu một gói cứu trợ từ quốc tế, nối gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, trong khi nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực Eurozone này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài khóa và hệ thống ngân hàng của mình.
Theo Fitch, Tây Ban Nha hiện cần tới khoảng 60 tỷ euro (75 tỷ USD) và sau đó là 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để vượt qua được khó khăn.
Đóng cửa phiên 8/6, Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc mạnh, để mất tới 2,09%, tương đương -180,46 điểm, lùi về 8.459,26 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 0,67% (-12,31 điểm) về 1.835,64 điểm; Weighted của Đài Loan giảm 1,14% (- 80,66 điểm) xuống 6.999,65 điểm; thị trường Sydney trượt 1,09% (-44,9 điểm) xuống 4.063,7 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải sau khi tăng nhẹ vào phiên sáng khi nhà đầu tư phấn khởi trước việc Ngân hàng trung ương nước này thông báo cắt giảm tỷ lệ lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm thêm 0,25 điểm phần trăm từ ngày 8/6, cũng đã quay đầu sụt giảm trong phiên chiều và kết phiên, đóng cửa ở mức 2.281,45 điểm, giảm 0,51% (-11,68 điểm).
Tương tự, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng "cắm đầu" để mất 0,94% (-175,95 điểm) xuống 18.502,34 điểm, bất chấp lần hạ lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm rưỡi qua của Trung Quốc, nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng mạnh lên.
Đêm trước (7/6) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng biến động trái chiều sau thông tin Trung Quốc cắt giảm lãi suất từ ngày 8/6 cùng bài phát biểu không hề nhắc tới gói QE của Chủ tịch Bernanke.
Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tiếp tục ghi điểm, thêm 46,17 điểm, tương đương 0,37%, lên đóng cửa ở mức 12.460,96 điểm. Trong khi đó, hai chỉ số chính còn lại là S&P 500 và Nasdaq Composite lại quay đầu giảm điểm, tuy nhiên các mức giảm rất nhẹ, lần lượt là 0,01% và 0,48%, xuống các mức tương ứng là 1.314,99 điểm và 2.831,02 điểm.
Bên kia trời Âu, cùng ngày các thị trường chứng khoán trong khu vực vẫn duy trì đà khởi sắc và hầu như vẫn đồng loạt đi lên, nhờ động thái cắt giảm lãi suất của Trung Quốc, số liệu việc làm tích cực tại Mỹ cùng những dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp cần thiết để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực Eurozone.
Đóng cửa phiên 7/6, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều duy trì xu hướng đi lên, tuy nhiên, các mức tăng đã yếu đi nhiều so với phiên tăng khủng hôm trước, trong đó FTSE 100 của London tăng thêm 1,18% lên 5.447,79 điểm; DAX 30 của Đức tăng 0,82% lên 6.144,22 điểm; còn CAC 40 của Paris tiến thêm 0,42% lên 3.071,16 điểm./.
Thùy Chi (TTXVN)