Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 19/12 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô của chương trình kích thích kinh tế (QE3) vào đầu tháng tới (1/2014) trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dần "đứng được trên đôi chân của mình."
Kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày (17-18/12), Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thuộc Fed đã công bố quyết định giảm gói QE3 từ mức 85 tỷ USD hàng tháng xuống còn 75 tỷ USD/tháng, bắt đầu từ tháng 1/2014 tới, do những điều kiện của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được cải thiện vững chắc.
Tuy nhiên, quyết định này được đi kèm với quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục hiện nay. Động thái này đồng nghĩa với việc tỷ lệ lãi suất ở mức gần 0% hiện nay sẽ được kéo dài thêm một thời gian cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp có thể sụt giảm xuống dưới mức 6,5%.
Theo các chuyên gia phân tích, các quyết định mới nhất của Fed này được xem như một bước "thủ hòa" khi việc cắt giảm khiêm tốn QE3 được "đền bù" bằng việc giữ nguyên lãi suất thấp. Và thị trường đã đón nhận thông tin này một cách tích cực. Về một khía cạnh nào đó còn mang tính hỗ trợ cho nền kinh tế và giá cả hàng hóa.
Đóng cửa phiên 19/12, các thị trường chứng khoán châu Á đan xen trong hai sắc màu xanh, đỏ, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 1,74% (271,42 điểm) lên 15.859,22 điểm; KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,02 điểm lên 1.975,65 điểm; Weighted của Đài Loan tăng 0,70% lên 8.407,40 điểm và Sydney tăng 2,08% lên 5.202,2 điểm.
Tuy nhiên, trong số các thị trường đi xuống có Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite mất 0,95% (20,50 điểm) xuống 2.127,79 điểm; Hang Seng của Hong Kong giảm 1,10% (255,07 điểm) xuống 22.888,75 điểm.
Hai thị trường này đi ngược chiều xu hướng tăng điểm chung và quay đầu giảm điểm trong phiên chiều chủ yếu do những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Tại các thị trường đang nổi - những nơi đã từng chứng kiến làn sóng rút tiền ào ạt của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi thị trường của họ khi Fed bắt đầu phong phanh nói về khả năng rút dần QE3, sau khi tăng khá mạnh trong phiên sáng, sang đến phiên chiều đã quay đầu giảm điểm, trong đó thị trường Manila giảm 0,64%; Thái Lan giảm 0,27%. Tuy nhiên, thị trường Jakarta vẫn giữ được đà tăng từ phiên sáng, với mức tăng 1,17% vào lúc đóng cửa.
Phiên 18/12, chứng khoán Mỹ đã thiết lập một loạt đỉnh cao kỷ lục mới sau khi Fed chỉ thu nhỏ khiêm tốn quy mô của chương trình kích thích kinh tế (QE3), trong khi vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục.
Đóng cửa phiên 18/12, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng vọt, trong đó Dow Jones Industrial Average vọt 292,71 điểm (1,84%) lên 16.167,97 điểm; S&P 500 nhảy 29,65 điểm (1,66%) lên 1.810,65 điểm, đây đều là các đỉnh cao kỷ lục mới của cả hai chỉ số này. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 46,38 điểm (1,15%) lên 4.070,006 điểm.
Phần lớn các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đều tăng giá, đặc biệt là cổ phiếu của các ngân hàng lớn, trong đó JPMorgan Chase (+2,7%), Wells Fargo (+3,1%) và Bank of America (+3,4%).
Cổ phiếu của các công ty xây dựng cũng lên điểm. Riêng cổ phiếu của đại gia ngành ô tô Ford giảm mạnh 6,3% sau báo cáo dự kiến lợi nhuận trước thuế trong năm 2014 sụt giảm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt ghi điểm, và đóng cửa phiên 18/12, cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng điểm.
FTSE 100 của Anh tăng 0,09% lên 6.492,08 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 1,0% lên 4.109,51 điểm, trong khi DAX 30 của Đức cũng tăng mạnh 1,06% lên 9.181,75 điểm./.