Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong tuần đầu tiên của tháng 3

Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến đà tăng giảm trái chiều trong cả tuần vừa qua với chỉ số Nasdaq giảm 2,06%, đánh dấu tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán thế giới trồi sụt thất thường trong tuần qua, mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng ổn định và số liệu việc làm trong tháng 2/2020 tốt hơn dự kiến.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chứng kiến đà tăng giảm trái chiều trong cả tuần, với chỉ số Nasdaq hạ điểm tuần thứ ba liên tiếp.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Ba, các chỉ số chính trên Phố Wall đã có phiên giao dịch rực rỡ nhất trong nhiều tháng qua.

Đây là “cú lội ngược dòng” ấn tượng so với diễn biến trong tuần trước, khi sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ thay đổi chính sách.

Thị trường cổ phiếu Mỹ đã bỏ lại một phần đà tăng mạnh đã có được từ phiên trước trong ngày 2/3, khi giới đầu tư bắt đầu lo lắng về sự biến động của thị trường này.

[NABE: Thị trường việc làm Mỹ sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2023]

Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại US Bank Wealth Management, cho rằng một phần ngyên nhân dẫn tới đà giảm phiên này là do nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng quá nhiều vào năm ngoái và nếu lãi suất đang tăng lên thì giá trị của dòng tiền trong tương lai của họ sẽ giảm đi.

Sau khi biến động trái chiều phiên 3/3, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch liền sau đó, trong đó cổ phiếu công nghệ chịu ảnh hưởng lớn nhất sau khi các nhà đầu tư thất vọng trước phản ứng của Chủ tịch Fed Jerome Powell đối với lo ngại lạm phát.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, Phố Wall phục hồi mạnh mẽ, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, nền kinh tế số 1 thế giới đã tạo thêm 379.000 việc làm trong tháng 2/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 6,2%, một kết quả tốt hơn dự kiến.

Thêm vào đó, đà tăng ổn định của lợi suất trái phiếu Mỹ cũng hỗ trợ xu hướng đi lên của Phố Wall.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 572,16 điểm (1,9%), lên 31.496,30 điểm, sau khi có lúc chạm mức 31.580,33 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 73,47 điểm (1,95%), lên 3.841,94 điểm.

Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 73,47 điểm (1,95%), lên 3.841,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 196,68 điểm (1,6%), lên 12.920,15 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,82%, chỉ số S&P 500 tiến 2% , còn chỉ số Nasdaq lại giảm 2,06%, đánh dấu tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp.

Dữ liệu việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy việc phân phối vắcxin ngừa dịch COVID-19 và gói kích thích tài chính mới của Mỹ đang tạo ra một cú hích cho nền kinh tế và có thể đẩy lạm phát lên cao do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế gây ra bởi khủng hoảng COVID-19.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 1 điểm cơ bản xuống 1,553% trong phiên cuối tuần, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng việc lạm phát tăng cao khi nền kinh tế phục hồi là không đáng quan ngại với sự trợ giúp từ gói kích thích tài khóa mới.

Tuy nhiên, ông Powell đã nói rằng, xu hướng bán tháo trên thị trường trái phiếu trong vài tuần qua đã thu hút sự chú ý của ông và Fed sẽ không ngồi yên và để các điều kiện của thị trường tài chính thắt chặt trên diện rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục