Trong phiên giao dịch ngày 7/10, chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Đức liên tiếp phải đón nhận các số liệu đáng thất vọng.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 272,52 điểm, tương đương 1,6%, xuống còn 16.719,39 điểm. Đây là phiên giao dịch rớt điểm thảm hại nhất của Dow Jones kể từ ngày 31/7/2014. Chỉ số S&P 500 cũng mất 29,72 điểm (1,51%), xuống 1.935,10 điểm.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 69,60 điểm (1,56%), đóng cửa ở mức 4.385,20 điểm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến sắc đỏ tiếp tục đeo bám Phố Wall trong phiên giao dịch này là dự báo mới nhất của IMF cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 và năm 2015 ước lần lượt ở mức 3,3% và 3,8%, giảm so với các con số được đưa ra hồi tháng Bảy là 3,4% và 4%.
Đây là lần thứ ba tổ chức tài chính toàn cầu này điều chỉnh hạ dự báo về mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, chủ yếu là do triển vọng không mấy sáng sủa tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nga, Trung Đông và Nhật Bản.
Ngoài ra, tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu trong phiên này cũng bị tác động tiêu cực bởi báo cáo từ Bộ Kinh tế Đức cho thấy sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 4% trong tháng 8/2014, ghi dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm rưỡi qua. Thông tin này chỉ xuất hiện một ngày sau khi Cơ quan thống kê Đức (Destatis) cho biết lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy của Đức trong tháng Tám vừa qua cũng giảm 5,7%.
Trong khi đó, một số nhân tố khác cũng đang được thị trường quan tâm như diễn biến các cuộc xung đột tại Syria, các kế hoạch thu hẹp chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và mùa công bố lợi nhuận quý III/2014 của khối doanh nghiệp Mỹ.
Cùng lúc đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau đi xuống, giữa bối cảnh IMF vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm nay từ mức 1,1% xuống 0,8%. Đồng thời, thể chế tài chính này cũng lưu ý rằng khu vực đồng tiền chung gồm 18 nước thành viên này sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát thấp ở mức đáng báo động trong một thời gian dài nữa.
Ngoài ra, các tín hiệu kém lạc quan mới đây từ Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu - cũng khiến giới đầu tư thêm nản lòng. Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,04%, xuống 6.495,58 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 cũng hạ 1,81%, xuống 4.209,14 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 giảm 1,34%, đóng cửa ở mức 9.086,21 điểm.
Sang tới phiên giao dịch ngày 8/10 tại thị trường châu Á, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán cũng đều mở cửa trong không khí ảm đạm, khi những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư hướng sự quan tâm sang các kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu và tiền tệ.
Đầu phiên, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,8%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 209,23 điểm (1,33%), xuống 15.574,60 điểm, do sự lên giá của đồng yen. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng hạ 200,76 điểm (0,86%), xuống 23.221,76 điểm. Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã mở cửa trở lại sau chuỗi ngày nghỉ lễ với mức tăng của chỉ số Shanghai Composite là 3,19 điểm (0,14%), lên 1.337,53 điểm./.